28/12/2021 10:16
TẤT BẬT CHĂM SÓC
Huyện Gianh Thành có kế hoạch xuống giống trên 1.000ha diện tích rau màu phục vụ thị trường Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, sản lượng dự kiến gần 66.000 tấn rau màu các loại. Xã Vĩnh Điều là một trong những xã có diện tích rau màu lớn nhất huyện Giang Thành với gần 200ha. Đang loay hoay cùng 6 công nhân cắt bớt các dây dưa hấu thừa, ông Trần Văn Rết - tổ trưởng tổ trồng màu ấp Đồng Cừ, xã Vĩnh Điều cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi, rau màu phát triển tốt. 3ha rau màu của gia đình tôi dự kiến thu hoạch khoảng 3 tấn, kịp phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán năm 2022”.
Ông Phan Văn Mến, ngụ ấp Hỏa Ngọn A, xã Thạnh Yên A (U Minh Thượng) thu hoạch khoai môn.
Cặp theo các tuyến đường liên xã, liên ấp của huyện U Minh Thượng, người dân tích cực chăm sóc rau, người tưới nước, người nhổ cỏ, vun gốc… Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng, để chuẩn bị rau màu phục vụ thị trường tết, từ đầu tháng 11-2021 đến nay, nông dân trong huyện gieo trồng trên 500ha rau màu, nhiều nhất là dưa leo, khổ qua, hành lá, cải làm dưa, bắp cải, cà chua, ớt, hẹ, các loại rau ăn lá. Diện tích rau màu trồng tập trung nhiều nhất tại 3 xã Vĩnh Hòa, An Minh Bắc, Minh Thuận.
Ông Nguyễn Minh Tâm, ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc cho biết: “Để kịp thời có lượng rau, củ, quả và rau các loại phục vụ tết năm nay, mấy tháng trước tôi đã trồng các loại cây cho củ như khoai từ, khoai môn, khoai lùn. Các loại cây màu khác như đậu đũa, khổ qua, dưa leo trồng hơn 2 tuần nay. Còn các loại rau ăn lá mới bắt đầu xuống giống”. Theo ông Tâm, tổng diện tích rau màu ông trồng phục vụ thị trường tết năm nay hơn 6 công đất vườn. Hiện khoai từ, khoai môn, khoai lùn đang được ông thu hoạch bán dần từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2022.
Ông Trần Văn Rết - tổ trưởng tổ trồng màu ấp Đồng Cừ, xã Vĩnh Điều (Giang Thành) kiểm tra dàn dưa leo.
Cũng tranh thủ trồng rau màu bán dịp tết, đến nay anh Danh Sơn, ngụ ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa (U Minh Thượng) bắt đầu thu hoạch 4,5ha ớt bán cho thương lái. “Ớt bây giờ bắt đầu hút hàng do nhu cầu làm các loại dưa, mắm, muối sấy bán tết đã vào mùa. Mỗi ngày tôi phải thuê 4-6 nhân công thu hoạch trái để cân cho thương lái”, anh Danh Sơn cho biết.
CÂN ĐỐI DIỆN TÍCH, CÁC GIỐNG RAU MÀU
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có trên 13.000ha rau màu phục vụ thị trường Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, sản lượng ước đạt 250.000 tấn rau màu các loại. Để giúp nông dân sản xuất vụ rau màu mới thắng lợi trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tỉnh định hướng nông dân bố trí đất đai, tuyển chọn giống rau màu phù hợp. Đồng thời, cân đối giữa các giống rau ăn lá, ăn quả, ăn củ đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm bán có giá, đầu ra thuận lợi và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ngành chức năng khuyến cáo các chủng loại rau ăn lá nên chiếm 64%, rau ăn quả chiếm 25%, rau ăn củ chiếm khoảng 5%, còn lại là các chủng loại rau màu khác. Diện tích xuống giống cần phân chia hợp lý theo từng tháng để thu hoạch rải vụ quanh năm, tránh tình trạng thu hoạch dồn dập trong cùng một thời điểm nhất định khiến cung vượt cầu, đầu ra nông sản khó khăn, giá cả bấp bênh.
Anh Danh Sơn, ngụ ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa (U Minh Thượng) tưới ớt chuẩn bị thu hoạch bán cho thương lái.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Để bảo đảm hiệu quả bền vững của cây rau màu - một trong những thế mạnh của ngành trồng trọt địa phương, ngành nông nghiệp chú trọng công tác điều tiết sản xuất gắn với phát triển các mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị, bảo đảm đầu ra ổn định, nông dân có lợi. Tỉnh lưu ý nông dân không mở rộng diện tích các loại rau gia vị như diếp cá, ngò gai nếu không có hợp đồng tiêu thụ, bởi đây là các loại rau không thiết yếu, trong thời gian này dự báo sẽ khó khăn về đầu ra”.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trong vụ rau màu đông xuân 2021-2022 như chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, trồng rau trong nhà màng, nhà lưới; sử dụng màng phủ nông nghiệp, phân hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm vừa đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Sau 4 năm kể từ ngày được tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, Vân Khánh từ một xã vùng ven biển của huyện An Minh với kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đến nay địa phương đã có sự đổi thay toàn diện về kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn.
Tổng số lượt truy cập: