27/06/2023 10:22
GIÁ LÚA TĂNG
Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng tốt tại nhiều thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng. Hiện giá gạo của Việt Nam đang đứng ở mức cao so các nước xuất khẩu khác. Dự báo tình hình xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm 2023 tiếp tục đà tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng cao.
Những tín hiệu khả quan từ xuất khẩu gạo khiến cho thị trường lúa, gạo trong nước có nhiều khởi sắc. Hoạt động thu mua lúa đang diễn ra sôi động tại nhiều địa phương, mặc dù thời điểm này không phải cao điểm thu hoạch lúa hè thu năm 2023. Từ đầu tháng 6 đến nay, giá lúa hè thu bắt đầu rục rịch tăng, nhiều cánh đồng chưa đến ngày thu hoạch nhưng đã có thương lái đến xem lúa và bỏ cọc trước.
Nông dân xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thu hoạch lúa hè thu năm 2023.
Hiện nhiều giống lúa chất lượng cao, phẩm chất gạo ngon, đạt chuẩn xuất khẩu đang được thương lái thu mua với giá cao, giá tăng bình quân 500-600 đồng/kg so vụ hè thu năm trước. Cụ thể, giá lúa tươi OM18, thương lái thu mua tại ruộng có giá 6.800 đồng/kg, lúa OM5451 giá 6.400-6.500 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 từ 6.800-7.000 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800-8.000 đồng/kg…
Ông Huỳnh Văn Tự - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Xanh, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) cho biết: “Tôi chưa thấy năm nào sản xuất vụ hè thu mà lúa lại có giá như năm nay. Lúa vừa trổ bông đã có thương lái đến đặt tiền cọc. Giá lúa tăng gần 500 đồng/kg so vụ hè thu năm ngoái, nông dân trong hợp tác xã rất phấn khởi”.
LỢI NHUẬN TĂNG
Những ngày qua, nông dân các huyện Giang Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành và TP. Rạch Giá (Kiên Giang) bắt đầu thu hoạch vụ hè thu sớm trong niềm vui trúng mùa, được giá. Không khí thu hoạch diễn ra tất bật và rộn ràng. Trên các cánh đồng, máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất. Dọc các tuyến kênh, ghe thu mua đậu sẵn, chỉ chờ nông dân thu hoạch lúa từ ruộng mang lên là cân để xuống ghe.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, vụ hè thu năm 2023, toàn tỉnh gieo sạ 252.656ha, đạt 90,44% kế hoạch, đến ngày 15-6 đã thu hoạch 13.049ha, năng suất bình quân ước đạt 5,49 tấn/ha, sản lượng trên 71.000 tấn.
Các diện tích lúa hè thu gieo sạ sớm gặp bất lợi do thời tiết diễn biến phức tạp, thời điểm gieo sạ xảy ra nắng nóng kéo dài, làm phát sinh chi phí sử dụng lượng phân bón nhiều hơn, một số diện tích gieo sạ sớm bị nhiễm rầy nâu, bệnh đạo ôn. Thêm vào đó, nhiều trà lúa gặp mưa ở giai đoạn trổ nên bị lem lép hạt nhiều làm giảm năng suất, nhưng bù lại thời điểm thu hoạch thời tiết thuận lợi, lúa ít đổ, ngả.
Nông dân trong tỉnh Kiên Giang phấn khởi vì lúa hè thu được mùa, trúng giá.
Ông Huỳnh Văn Tự chia sẻ: “Tuy đầu vụ có gặp chút khó khăn do ảnh hưởng thời tiết, nắng nóng kéo dài, nhưng nhờ hợp tác xã có hệ thống đê bao khép kín với 3 trạm bơm điện 3 pha nên chủ động trong khâu bơm tưới, không sợ bị thiếu nước. Lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt, nhiều cánh đồng thu hoạch từ 15-17 bao/công, tương đương năng suất từ 750-850kg/công”.
Bên cạnh những tín hiệu vui từ thị trường lúa gạo, năm nay nông dân sản xuất vụ hè thu như được tiếp thêm động lực khi giá nhiều loại phân bón đã hạ nhiệt, chi phí sản xuất giảm đáng kể, nông dân có lợi nhuận cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ ấp Rạch Cũ, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) vừa thu hoạch xong 3,5ha lúa hè thu, cho biết: “Vụ này, giá phân bón giảm, lúa ít sâu bệnh nên chi phí sản xuất ước khoảng 2,5 triệu đồng/công, lúa bán có giá, tôi lãi gần 4 triệu đồng/công. Tôi hy vọng tới vụ thu đông, giá lúa tiếp tục ổn định để nông dân an tâm sản xuất”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: