10/02/2020 14:24
Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nước sạch nông thôn để các hộ dân đều có nước sạch sử dụng là mục tiêu huyện Tân Hiệp đang nỗ lực thực hiện. Đến tháng 1-2020, huyện Tân Hiệp có 99,8% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh.
Ông Võ Văn Tài, ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp), cho biết: “3 tháng nay có nước máy sử dụng, người dân trong ấp ai cũng mừng vì đáp ứng niềm mong chờ từ lâu. Đóng 2,5 triệu đồng hay nhiều hơn nữa gia đình tôi cũng đồng ý, có nước sạch sử dụng không lo bệnh tật; gia đình tôi mới mua thêm máy giặt để rảnh rang lo mua bán”. Trước đây, nước sinh hoạt của gia đình ông Tài chủ yếu lấy dưới kênh lắng phèn, nước nấu ăn là nước mưa trữ lại, nay gia đình ông không còn lo lắng mỗi khi nước kênh đục ngầu vì nguồn nước thải từ đồng ruộng.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, cấp ủy, chính quyền xã Tân Hiệp B vui lây với bà con ấp Tân Phú vì hệ thống đường ống cấp nước sạch trên địa bàn ấp đã lắp đặt, đáp ứng nhu cầu cho 150 hộ dân, nâng tỷ lệ hộ dân toàn ấp có nước sạch sử dụng đạt 100%. “Dân mình nghèo, đóng từ 2 - 3 triệu đồng không phải chuyện dễ. Nhờ quyết tâm, chung tay của cấp ủy, chính quyền và các chức danh ấp, tổ trưởng tổ nhân dân tự quản nên từ 40 hộ đăng ký ban đầu, sau 2 tháng vận động, 150 hộ dân đồng thuận góp hơn 300 triệu đồng để nhà máy kịp kéo nước về trước tết”, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Phú nói.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, khi ấp có kế hoạch vận động người dân góp tiền để có nước sạch sử dụng, ban đầu người dân đặt vấn đề vì sao phía thị trấn Tân Hiệp dân chỉ đóng tiền đồng hồ nước vài trăm ngàn đồng, còn đường ống nhà máy đầu tư. Ngay nội bộ cấp ủy, chính quyền ấp Tân Phú cũng có ý kiến bàn lùi, vì cho rằng khó thực hiện khi số hộ nghèo, cận nghèo trong ấp còn nhiều. “Xác định nước sạch là vấn đề dân bức xúc lâu nay, cần có giải pháp sớm để bảo vệ sức khỏe người dân, nên Chi bộ ấp đề ra mục tiêu trong năm 2019 phải làm cho bằng được”, đồng chí Tuấn nói.
Nói là làm, vậy là từng đồng chí trong cấp ủy, các chức danh ấp và tổ nhân dân tự quản tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và cùng thực hiện. Ngoài tích cực vận động, Ban lãnh đạo ấp Tân Phú còn được sự hưởng ứng tích cực của nhiều hộ dân trong việc cùng vận động người thân, hàng xóm, nhất là phát huy vai trò những người có uy tín tại địa phương. Là nhà giáo về hưu ở ấp Tân Phú, ông Huỳnh Ngọc Ấn (75 tuổi) hiểu rõ tầm quan trọng của nguồn nước sử dụng hàng ngày đối với sức khỏe con người, khi ấp có chủ trương vận động dân góp tiền đưa nước sạch về sử dụng, ông Ấn nhiệt tình hưởng ứng. “Tôi nghĩ nước sông có lóng phèn cũng không đảm bảo cho sức khỏe. Một năm dưới kênh tích tụ biết bao nhiêu thuốc trừ sâu từ đồng ruộng, nếu sử dụng lâu dài sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng. Trước xài nước mưa phải tiết kiệm, giờ có nước máy sử dụng an tâm hơn. Tôi còn chỉ cho bà con thấy tác hại của việc sử dụng nước không hợp vệ sinh để bà con thấy rồi tự quyết định”, ông Ấn nói.
Để người dân có nước sạch sử dụng, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Hiệp phối hợp doanh nghiệp bán bồn trữ nước trả chậm không tính lãi cho hội viên, phụ nữ. Đồng chí Lê Thị Kiều Nga - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Hiệp, cho biết: “Năm 2019, các cơ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ trên địa bàn huyện hỗ trợ hội viên, phụ nữ mua bồn nước trả chậm không tính lãi với tổng số 883 bồn chứa nước, trị giá gần 2,7 tỷ đồng. Một số xã thực hiện tốt việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ mua bồn trữ nước sạch như Tân Hội, Tân Thành, Thạnh Đông, Thạnh Trị…”.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Tân Hiệp, đến nay tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh toàn huyện đạt 99,8%, vượt 0,2% so chỉ tiêu nghị quyết năm 2019. Hiện huyện đang chuẩn bị đầu tư nhà máy cấp nước sạch phục vụ cho người dân các xã Tân Hiệp A, Tân Hiệp B, Tân An và Tân Hòa.
AN LÂM
(KGO) - Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Kiên Giang 9 tháng năm 2024 ước hơn 9.768 tỷ đồng, đạt 57,78% dự toán, giảm 6,74% so cùng kỳ. Trong đó có một số khoản thu đạt cao là: Thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu phí và lệ phí, thu xổ số kiến thiết, thu từ xuất nhập khẩu...
Tổng số lượt truy cập: