12/06/2023 09:31
Vừa tới đầu kênh Sáu Thước, ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng đã thấy hàng rào bê tông cao, dài chừng 100m, bên trong là dãy nhà lầu bề thế làm nổi bật cả một đoạn kênh. Người dân chỉ đường cho biết đó là nhà của cha con ông Nguyễn Văn Em, một trong những lão nông sở hữu diện tích trồng tràm nhiều nhất của kênh Sáu Thước.
Ông Nguyễn Văn Em, 74 tuổi, từng là cán bộ tài vụ của ngành công an tại TP. Cần Thơ. Sau năm 1975, ông về kênh Sáu Thước cất nhà, được người thân cho 12 công đất lung bào khai khẩn. Thấy đất lung phèn cây lúa khó trụ, ông quyết định trồng tràm. Nhà không tài sản, chỉ có mấy công tràm chưa thu hoạch nên lúc bấy giờ, vợ chồng ông Em phải đi làm thuê kiếm sống.
Sau 7 năm trồng, tràm bắt đầu cho thu hoạch, bán 1 công tràm ông Em mua được cả trăm giạ lúa. Thấy hiệu quả cao, ông Em tích góp, cộng với tiền làm thuê, ông mua thêm đất để trồng tràm. Hiện ông Em có 300 công tràm, mỗi năm thu hoạch 50 công, lợi nhuận gần 400 triệu đồng.
Ông Em cho biết trồng tràm chi phí thấp, nhưng tốn công vì phải chăm sóc cây như nuôi con nhỏ. “Lúc cây mới trồng sợ nhất là ốc bươu vàng. Tôi phải bón phân định kỳ 2 lần/năm, làm cỏ thường xuyên để tràm mau lớn và phòng, chống cháy rừng”, ông Em nói.
Để tràm phát triển tốt, kinh nghiệm của ông Em là nên xuống giống khoảng tháng 10 âm lịch vì lúc đó mặt liếp có nước xem xép giúp tràm mau bén rể, đến tháng 6 năm sau thì rong nhánh. Ông Em có 7 người con, dựng vợ gả chồng đứa con nào ông cũng cho 50 công tràm. Noi gương cha, các con ông đều chịu khó lao động, phát triển thêm từ 50-60 công đất, cuộc sống sung túc đều từ cây tràm mang lại.
Ông Nguyễn Văn Mười, ngụ ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) cùng con trai kiểm tra tràm giống.
Năm 1963, từ TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Mười chọn ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Lộc làm nơi lập nghiệp. Chiến tranh ác liệt, nhiều gia đình rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, ông Mười vẫn chọn ở lại. Ông Mười kể: “Hồi chiến tranh, cán bộ cách mạng động viên tôi phải trồng cây gây rừng, vừa có thu nhập vừa gây dựng địa thế cách mạng”.
Thấy ông Mười trồng tràm, nhiều người không hiểu bảo ông làm chuyện “dư hơi”; có người còn bảo “cây phát thì người tàn” để nói việc cây tràm phải trồng lâu năm mới cho thu hoạch. Mặc lời bàn ra tán vào, ông Mười vẫn quyết tâm khai khẩn và trồng được 25 công tràm vì ông hiểu rằng đất lung phèn chỉ có tràm nước mới trụ được.
Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, trồng tràm vừa là sinh kế vừa là tấm lá chắn che mắt quân thù để gia đình ông Mười tham gia nuôi chứa cán bộ cách mạng. Sau năm 1975, gia đình ông Mười vẫn gắn bó với nghề trồng tràm dù chiến tranh ác liệt, diện tích tràm thiệt hại nhiều.
Cây tràm có đầu ra, năm 2002, gia đình ông Mười dùng 240 lượng vàng dành dụm từ việc bán tràm để xây dựng nhà kiên cố. Năm 2004, giá tràm xuống thấp, nhiều người đốn bỏ tràm để trồng lúa. Đắn đo, suy tính, ông Mười bấm bụng phá bỏ 60 công tràm để trồng lúa, còn 70 công vẫn giữ tràm. Hơn chục năm trở lại đây, cây tràm có giá nên cuộc sống gia đình ông trở nên sung túc hơn. Chỉ riêng phần bán cừ tràm, ông Mười thu về lợi nhuận gần 500 triệu đồng/năm.
“Tôi còn ươm tràm giống bán. Nhiều năm nay, phong trào trồng rừng nguyên liệu trong tỉnh và các vùng lân cận phát triển mạnh, nhờ vậy nhu cầu tiêu thụ giống cây tràm ngày càng cao. Hiện tràm con có giá 100.000 đồng/thiên. Tháng 2 gieo hạt thì đến tháng 8 bắt đầu thu hoạch tràm con. Nghề này cũng không khó, biết là làm được”, ông Mười nói.
Ở tuổi 92, ông Mười minh mẫn, nhắc nhở con cháu ươm cây giống cho tốt, phải để ý xem ốc có ăn tràm non thì cấy dặm lại bởi tràm trồng 4-5 năm mới thu hoạch, đừng để thất thoát. Ông Nguyễn Văn Hý, con ông Mười nói: “Cả đời cha tôi cơ cực với tràm, ông dặn con cháu dù có thế nào cũng ráng giữ vì tràm đã cho gia đình tôi cuộc sống đủ đầy như hôm nay”.
Đứng trên sân thượng, ông Hý lấy tay vẽ một đường dài về hướng kênh Sáu Thước, nơi có hàng tràm xanh ngát chạy dài. Đó là rừng tràm của gia đình ông, là sinh kế, là mồ hôi, nước mắt mà cha mẹ ông gây dựng, giữ gìn.
Bài và ảnh: ĐÔNG HƯNG
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: