11/03/2022 13:57
GIÁ HÀNG HÓA TĂNG THEO GIÁ XĂNG, DẦU
Tại TP. Rạch Giá, một số mặt hàng như thịt heo, cá, tôm tươi sống hiện tăng từ 5.000-10.000 đồng so đầu tháng 2, tùy mặt hàng, nguồn hàng vẫn phong phú. Qua khảo sát tại một số chợ truyền thống, thịt heo nạc giá 110.000-140.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; thịt ba rọi giá dao động 90.000-130.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; cá lóc nuôi giá từ 60.000-65.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; cá bớp giá 155.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; tôm sú loại 30 con/kg có giá 230.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg.
Một vài nơi, quán ăn, quán cà phê cũng “đua nhau thay áo giá”. Phở lúc trước giá bình quân 30.000 đồng/phần, nay tăng lên 35.000 đồng/phần. Một ly cà phê đá giá bình dân 10.000 đồng thì nay tăng lên 12.000 đồng/ly. Nhiều chủ quán cho biết, giá bán được điều chỉnh tăng để bù đắp chi phí tăng.
Ghi nhận tại chợ nông sản Thứ Ba (An Biên), lượng xe chở rau, củ, quả, trái cây về chợ rất tấp nập, nguồn hàng rất dồi dào, giá tăng so đầu tháng 2-2022. Rau, củ các loại tăng từ 3.000-7.000 đồng/kg. Cụ thể, cải xanh giá 15.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; bắp cải trắng giá 15.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; củ cải trắng giá 13.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg... Chị Danh Thị Hồng Nga - tiểu thương chợ nông sản Thứ Ba nói: “Giá một số loại rau, củ tăng do chi phí vận chuyển hiện nay tăng theo giá xăng, dầu buộc các tiểu thương phải tăng giá bán để bù đắp chi phí vận chuyển. Tuy giá tăng nhưng tiểu thương vẫn cam kết cung cấp đủ nguồn hàng phục vụ người dân địa phương”.
Anh Trần Quốc Tùng - chủ cửa hàng gạo Tư Mung, khu phố 4, thị trấn Thứ Ba (An Biên) trưng bày gạo phục vụ người dân.
Mặt hàng gạo tại huyện An Biên vẫn rất dồi dào, giá ổn định. Anh Trần Quốc Tùng, chủ cửa hàng gạo Tư Mung, ngụ khu phố 4, thị trấn Thứ Ba cho biết: “Các loại gạo hiện giá dao động từ 12.000-22.000 đồng/kg, tùy loại. Đôi khi tôi cũng giảm giá bán cho người lao động khó khăn, cuộc sống của họ đã quá vất vả vì COVID-19 và nay giá xăng liên tục tăng”. Một mặt hàng thiết yếu khác cũng được điều chỉnh tăng là gas. Anh Phạm Kim Tố - tiểu thương khu phố 2, thị trấn Thứ Ba cho biết: “Giá gas bình loại 12kg được người dân sử dụng nhiều hiện giá 440.000 đồng/bình, tăng 42.000 đồng/bình 12kg”.
NGƯỜI TIÊU DÙNG CÂN NHẮC, TIẾT KIỆM CHI TIÊU
Việc giá xăng, dầu liên tục tăng kéo theo giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân, khiến nhiều người phải “thắt lưng buộc bụng”, nhất là đối với người lao động nghèo. Anh Nguyễn Văn Tuấn, một công nhân ngụ xã Phi Thông (TP. Rạch Giá) chia sẻ: “Nếu giá hàng hóa tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sinh hoạt của mọi người. Đối với những người lao động đời sống còn khó khăn, loay hoay tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền xăng, chi phí ăn uống… sẽ hết tiền. Nỗi lo “cơm áo gạo tiền” vẫn còn hiện hữu trước mắt. Nếu không tăng ca, làm thêm thì không đủ tiền trang trải sinh hoạt gia đình”.
Tiểu thương kinh doanh cá tươi sống tại chợ nông sản Thứ Ba (An Biên).
Đối với những gia đình khá giả, giá hàng hóa tăng cũng buộc họ phải tính toán, cân nhắc lại các khoản chi tiêu trong gia đình. Chị Đào Thị Thúy An, ngụ xã Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành) nói: “Lúc trước chi phí ăn uống mỗi ngày của gia đình tôi khoảng 200.000 đồng thì nay tăng lên 300.000 đồng. Chi phí mỗi bữa ăn thời điểm này dành cho 4 người hơn 100.000 đồng. Do giá hàng hóa tăng nên gia đình phải tiết kiệm mới đủ tiền dành cho các khoản chi khác”. Cũng như chị Thúy An, để thích ứng với việc giá xăng, dầu và một số mặt hàng tiêu dùng tăng giá như hiện nay, nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm hợp lý và thay đổi một số thói quen hàng ngày như cắt giảm các khoản ăn vặt, mua sắm không cần thiết; hạn chế ăn uống bên ngoài; tiết kiệm điện, xăng xe...
Trước những biến động giá cả thị trường, các ngành chức năng của tỉnh đã có những giải pháp nhằm kiểm soát giá hàng hóa. Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389/KG) đã lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động kinh doanh, phân phối hàng hóa nhằm ổn định thị trường hàng hóa, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giá cả hàng hóa. Đoàn kiểm tra cũng theo dõi, giám sát tình hình, diễn biến của thị trường, hàng hóa, giá cả để kịp thời báo cơ quan thẩm quyền chỉ đạo xử lý.
Bài và ảnh: THANH NHÃ
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: