04/03/2023 15:36
Bà Huỳnh Thị Dồi, ngụ ấp Mương 40, xã Tây Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) đề nghị Việt Nam thực hiện lệnh cấm biển, ngưng cho đánh bắt có thời hạn để nguồn lợi cá, tôm được khôi phục.
Bà Huỳnh Thị Dồi, chủ 10 cặp tàu cá ngụ ấp Mương 40, xã Tây Yên đề nghị Việt Nam thực hiện lệnh cấm biển, ngưng cho đánh bắt 1 năm để nguồn lợi cá, tôm được khôi phục. Bên cạnh đó, ngành chức năng xử phạt mạnh tay những trường hợp sử dụng phương tiện đánh bắt không đúng quy định. “Ngư trường không cạn kiệt thì ngư dân không cần đi xa để đánh bắt và vi phạm nữa”, bà Dồi nói.
Ông Lê Văn Bé Sáu, cùng ngụ ấp Mương 40 cho rằng áp lực trả nợ ngân hàng khiến nhiều ngư dân “làm liều” sang vùng biển nước ngoài đánh cá, vì vậy ngành ngân hàng giãn nợ để ngư dân bớt khó khăn.
Anh Trần Văn Tú, ngụ khu phố 5, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên nói: “Ngư trường cạn kiệt, giá dầu tăng gấp đôi, trong khi giá hải sản không tăng khiến ngư dân gặp khó. Giờ ngư dân không còn mong làm giàu từ đánh bắt nữa mà chỉ mong có chính sách hỗ trợ ngư dân, nhất là được ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất, khoanh nợ, rồi làm từ từ trả”.
Hiện An Biên có 235 tàu cá, trong đó có 148 tàu đánh bắt vùng khơi, 40 tàu đánh bắt vùng lộng, 47 tàu đánh bắt ven bờ. Vẫn còn tình trang ngư dân chưa chấp hành nghiêm việc khai thác hải sản theo khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu (EC); tàu cá mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình, vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh nhấn mạnh: “Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ. Trường hợp bị áp dụng thẻ đỏ, tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Khi đó, khai thác thủy sản đã khó thì càng khó khăn hơn”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh (thứ sáu, từ trái qua) tặng quà cho các chủ tàu cá trên địa bàn huyện An Biên.
Ngoài ra, việc bị cảnh báo thẻ vàng cũng như việc khắc phục thẻ vàng chậm, không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên các diễn đàn khu vực và thế giới.
“Ngư dân đừng đi đánh bắt nước ngoài nữa. Các nước đang xử lý mạnh tay đối với những trường hợp đánh bắt vi phạm vùng biển sở tại. Nếu không may bị bắt, bà con mất cả tài sản, bị tù, ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam và hình ảnh quốc gia trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập sâu rộng trong khu vực, quốc tế. Tỉnh sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền những kiến nghị chính đáng của ngư dân, trước mắt sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ ngân hàng cho ngư dân vay vốn đóng tàu cá”, đồng chí Lê Quốc Anh nói.
Dịp này, đồng chí Lê Quốc Anh thăm hỏi, tặng quà và trao thư kêu gọi lần 2 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang về hưởng ứng việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu cho 10 chủ tàu cá trên địa bàn huyện An Biên.
Tin và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Sau 4 năm kể từ ngày được tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, Vân Khánh từ một xã vùng ven biển của huyện An Minh với kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đến nay địa phương đã có sự đổi thay toàn diện về kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn.
Tổng số lượt truy cập: