16/01/2024 09:53
Những ngày giáp tết, tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành số lượng tàu cá trở về cập cảng ngày một nhiều hơn. Theo Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang, so với năm ngoái, tàu cá về neo đậu tại cảng sớm hơn. Ước tính có khoảng 50% số tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh đã về bờ, càng cận tết số tàu sẽ về nhiều hơn nữa.
Mặc dù chủ tàu cho về nhà ăn tết sớm, nhưng trên gương mặt của nhiều thuyền trưởng lẫn ngư phủ đều đượm buồn vì không có tiền ăn tết. Ông Nguyễn Văn Phương, ngụ xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, làm ngư phủ đã 10 năm cho biết: “Trước đây, mỗi chuyến biển cuối năm ngư phủ cũng kiếm hơn chục triệu đồng. Năm nay đánh bắt thất thu, chủ tàu cũng lỗ, nên ngư phủ cũng không có tiền chia. Số tiền trước đó chủ tàu cho ứng trước để lo cho gia đình cũng vơi dần. Tết đến gần, nhà không có tiền sắm sửa, mua quần áo mới cho con mà buồn”.
Công nhân bốc dỡ thủy sản tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang).
Theo chia sẻ của nhiều chủ tàu cá tại TP. Rạch Giá , mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu phải tốn chi phí hàng trăm triệu thậm chí hơn cả tỷ đồng, nhưng đánh bắt không hiệu quả, cá tôm ngày càng ít dần, trong khi giá cả các nguyên liệu, nhất là nhiên liệu xăng, dầu, nước đá thì không giảm.
Giá các mặt hàng thủy sản gần 1 năm qua gần như chạm đáy, nhiều loại cá như cá nục, cá bạc má, mực... giảm mạnh. Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn còn lượng hàng tồn kho lớn, thị trường tiêu thụ nội địa ùn ứ, đẩy giá thu mua thủy sản giảm.
Ông Phan Văn Nhân, chủ doanh nghiệp dịch vụ thu mua và vận chuyển Nghĩa Nhân, TP. Phú Quốc cho biết năm 2023 là một năm đầy khó khăn cho ngành khai thác thủy sản. Đối với các doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển tải và thu mua, mỗi chuyến đi từ 4-5 ngày, chi phí hơn 150 triệu đồng. 1 tháng nay, chuyến nào ông Nhân cũng lỗ từ 50-100 triệu đồng vì sản lượng thu mua ít, thêm giá cá bán ra giảm mạnh.
"Tôi có 4 cặp tàu, bây giờ chỉ duy trì hoạt động 2 chiếc, còn lại đành cho nằm bờ để cắt giảm chi phí. Chuyến biển cuối năm ai cũng mong thuận buồm xuôi gió, mang về lợi nhuận để đón tết. Nhưng năm nay tình hình không mấy thuận lợi, tôi cho anh em ngư phủ nghỉ sớm”, ông Nhân buồn bả.
Tàu khai thác hải sản cập cảng cá Tắc Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang).
Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Rạch Giá Trương Văn Ngữ là một trong những chủ tàu sở hữu nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh với số lượng 13 chiếc. Những năm qua, đánh bắt ngày càng khó khăn, cứ ra khơi là lỗ, ông Ngữ đã bán đi 5 chiếc. Tuy nhiên, tới thời điểm này, ông Ngữ chỉ còn duy trì hoạt động 2 chiếc, số còn lại buộc phải neo đậu, nằm bờ.
Ông Ngữ cho biết: “Khi Nhà nước có chủ trương khuyến khích đóng tàu vươn khơi bám biển, đa số ngư dân đều rất phấn khởi, đầu tư đóng tàu công suất lớn để đánh bắt. Thời điểm đó, nhà nào có nhiều tàu là biết kinh tế khá giả. Tuy nhiên, những năm qua, nghề khai thác thủy sản đang dần thoái trào, ngư trường trong nước gần như cạn kiệt cá, ngư dân khai thác không hiệu quả, nhiều chủ tàu rơi vào cảnh tán gia bại sản vì thiếu nợ ngân hàng, buộc bán nhà, bán tàu trả nợ. Có người trước đây là chủ của 3-4 cặp tàu giờ phải đi làm thuê trả nợ.”
Để chuẩn bị cho một chuyến đánh bắt xa bờ khoảng 3 tháng của cặp tàu công suất 500CV, ông Ngữ phải bỏ ra từ 1-1,3 tỷ đồng chi phí bao gồm nhiên liệu, nước đá, tiền lương ứng trước cho ngư phủ, chi phí nhu yếu phẩm, lương thực. Tất cả chi phí ban đầu chủ tàu phải trả trước, đặc biệt là chi phí nhiên liệu đại lý bắt buộc lấy tiền trước, không cho trả gối đầu.
“Chật vật duy trì nghề trong bối cảnh quá nhiều khó khăn, giá nhiên liệu xăng, dầu tăng, giá cá giảm mạnh, sản lượng cá đánh bắt giảm mạnh… Chuyến biển cuối năm này trở nên buồn hơn, khoảng 1 tuần nữa tàu sẽ vào bờ, chỉ mong chuyến này có thể lời được chút đỉnh, để anh em tài công, ngư phủ cũng có tiền ăn tết”, ông Ngữ chia sẻ.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: