01/12/2023 13:33
Ông Lê Hoàng Mỹ là một trong sáu người con nối nghề làm mắm truyền thống của gia đình. Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền (66 tuổi), vợ ông Mỹ chia sẻ: “Nghề làm mắm cực lắm nhưng chồng tôi muốn giữ gìn và phát triển nghề của gia đình nên tôi rất ủng hộ, đến nay sản phẩm được nhiều người tin dùng”.
Mắm cá lóc 5 Mỹ đạt OCOP 3 sao và đã được mở rộng thị trường tiêu thụ rộng rãi trong tỉnh, một số tỉnh thành khác như: Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ…
Để phát triển nghề làm mắm gia truyền, năm 2018 vợ chồng ông Mỹ đầu tư cơ sở vật chất gần 300 triệu đồng xây dựng nhà để làm mắm, máy để làm sạch vẩy cá… Sau gần 5 năm, cơ sở mắm gia truyền của ông Mỹ được nhiều người tin dùng vì mắm thơm ngon, có vị đặc trưng và giá cả hợp lý.
Hiện sản phẩm được tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố khác như Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ…, với sản lượng tiêu thụ khoảng 250-300kg/tháng, đem lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm, giúp gia đình ông Mỹ phát triển kinh tế.
Tháng 8-2023, mắm 5 Mỹ có một sản phẩm được hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP huyện Giồng Riềng công nhận đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao với tên sản phẩm mắm lóc 5 Mỹ. Ông Lê Hoàng Mỹ cho biết: “Nhờ đạt chứng nhận OCOP, giá trị sản phẩm được nâng tầm, nhiều người biết đến qua việc quảng bá sản phẩm trên trang thương mại điện tử, Facebook, Zalo, lượng khách hàng tìm đến mua cũng nhiều hơn”.
Bà Trần Thị Quốc (57 tuổi), ngụ ấp Đường Lác, xã Ngọc Thuận chia sẻ: “Nhờ cơ sở sản xuất mắm của ông Mỹ mà tôi cũng có thêm thu nhập. Tôi cắt, rửa và làm sạch cá trước khi đem cá muối. Thu nhập từ 150-200 ngàn đồng/ngày/người”.
Ông Lê Hoàng Mỹ làm sạch cá trước trước khi muối cá làm mắm.
Làm mắm phải qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi người làm nghề phải có kinh nghiệm và có cách trộn riêng để có hương vị riêng so với địa phương khác. Thời gian làm mắm khoảng 4 tháng đến 1 năm tùy loại mắm.
Đầu tiên sơ chế, làm sạch cá; phủ muối lên đều thân cá và bụng cá để muối cá; xong dùng vật nặng ép cá; đủ thời gian muối cá, lấy ra rửa sạch, để ráo rồi trộn thính, chao mắm, xong ép chặt vào hũ tiếp tục giai đoạn ủ cá… Công đoạn này quyết định vị mắm và bí quyết làm mắm.
Khi làm mắm cá rô, cá sặc là phải muối cá, sau đó dùng vật nặng đặt lên để ép cá; sau 1,5 tháng rửa sạch, trộn thính, chao mắm… xong tiếp tục muối cá thêm 4-6 tháng mới thành mắm; còn cá lóc phải muối đến 12 tháng mới thành phẩm…
“Tất cả công đoạn làm mắm đều bằng thủ công, tuyệt đối tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo không phẩm màu; không hương liệu; không chất bảo quản, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, có thể dùng trong cả năm vẫn không hư hỏng”, ông Mỹ nói.
Theo ông Mỹ, từ tháng 8 âm lịch đến tháng 10 được xem là chính vụ đối với nghề làm mắm, ông tận dụng nguồn cá tự nhiên mùa nước lũ về, nhất là cá sặc, cá rô… để làm mắm giúp đa dạng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Mỗi năm ông làm 3-4 tấn cá sặc, cá rô, cá chốt; cá lóc thì làm 1 tấn/đợt, làm từ 3-4 đợt/năm. Hiện giá bán mắm cá lóc 5 Mỹ từ 170-210 ngàn đồng/kg ; mắm cá sặc, cá rô 75-100 ngàn đồng/kg.
Ông Lê Hoàng Mỹ làm sạch vẩy cá trước khi đem muối.
Để giữ được nghề và được khách hàng tin dùng sản phẩm thì chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là 2 vấn đề được ông Mỹ đặt lên hàng đầu. Ông Mỹ cho biết: “Muốn có sản phẩm ngon thì cá phải tươi, làm cá phải sạch, đúng quy trình, đúng công thức và phải cẩn thận từng công đoạn làm mắm. Khi mắm đạt chuẩn màu đỏ sẫm và có vị đặc trưng mới đúng là mắm truyền thống”.
Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thuận Hà Thanh Lâm, cho biết xã Ngọc Thuận có 35 hộ làm mắm. Có 2 cơ sở làm mắm được công nhận sản phẩm OCOP. Gia đình ông Lê Hoàng Mỹ làm mắm đã lâu đời. Mắm lóc 5 Mỹ vừa được hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện thẩm định đạt chuẩn 3 sao.
"Cơ sở sản xuất mắm 5 Mỹ đã tạo việc làm cho 10-12 lao động địa phương, thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng giúp người dân địa phương ổn định kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững tiêu chí nông thôn mới nâng cao của xã Ngọc Thuận”, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thuận Hà Thanh Lâm cho biết thêm.
Bài và ảnh: BÍCH THÙY- HẢI ĐĂNG
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: