13/05/2021 08:26
Rơm dễ thu hoạch cũng như bảo quản hơn nhờ vào chiếc máy cuốn rơm tạo thành những cuộn tròn. Tới mùa thu hoạch lúa, trên khắp cánh đồng huyện Giang Thành, máy cuộn rơm hoạt động liên tục, cuốn rơm lại thành cuộn tròn. Ngoài thu hoạch lúa, phần rơm cuộn được người dân vận chuyển dọc các con đường quê tới nơi tiêu thụ hay dự trữ tại các hộ gia đình.
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng của Hợp tác xã nông dân Nha Sáp, xã Vĩnh Điều đã thu hoạch lúa xong, từng cuộn rơm chất đầy dưới ruộng lúa, ông Lê Văn Tâm - Giám đốc Hợp tác xã nông dân Nha Sáp nói: “Khoảng 3 năm trở lại đây, sau thu hoạch lúa, rơm được nông dân trong và ngoài hợp tác xã thu gom sử dụng để trồng rau màu hay cho gia súc ăn. Một số hộ khác bán rơm ngay trên ruộng, người mua trả tiền xong sẽ thuê máy cuộn rơm. Mỗi công rơm chủ ruộng bán giá dao động 40.000 - 50.000 đồng, vào thời điểm hút hàng có thể bán giá 70.000 đồng. Số tiền bán rơm tuy không lớn nhưng đối với người có nhiều diện tích đất sẽ thu về tiền triệu. Việc bán rơm sẽ hạn chế tối đa việc đốt đồng, tránh gây ảnh hưởng môi trường sống. Đối với địa phương có nhiều rừng như huyện Giang Thành, việc bán rơm được khuyến khích”.
Nông dân xã Vĩnh Điều (Giang Thành) sử dụng rơm để trồng nấm.
Với 70 công đất lúa sản xuất 3 vụ/năm, ngoài lợi nhuận từ tiền bán lúa tươi, việc bán rơm 3 năm qua đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình ông Trần Văn Rết, nông dân ấp Đồng Cừ, xã Vĩnh Điều. Mỗi công rơm bán từ 50.000 - 60.000 đồng. “Thông qua việc bán rơm, tôi thấy việc làm đất chuẩn bị cho vụ gieo sạ mới tốt hơn, nhất là trong các tháng mùa mưa không thể thu gom rơm hết bằng tay được. Chiếc máy cuộn rơm giúp việc cuộn rơm nhanh chóng và sạch hơn nên việc cày xới đất rất thuận tiện, ruộng sạch rơm, không còn tốn công đi nhặt rơm như trước kia. Rơm được bán sẽ không còn cảnh đốt rơm vào mùa nắng nóng làm tăng nguy cơ cháy lan sang các ruộng lân cận chưa thu hoạch lúa, thậm chí gây nguy hiểm cho các nhà dân và rừng tràm ở gần ruộng, kèm theo đó là khói bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân”, ông Rết nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ cho biết: “Tận dụng nguồn rơm sẵn có trên ruộng lúa sau thu hoạch lúa, nông dân ở ấp dùng rơm để làm nấm rơm và đậy rau màu. Một số hộ khác bán rơm để tăng thu nhập thay vì rơm đốt bỏ. Nông dân bán một công rơm giá từ 40.000 - 50.000 đồng cũng có thêm khoản tiền sử dụng cho các việc khác khi cần”.
Theo đồng chí Trần Quang Thái - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Điều, rơm đem lại lợi nhuận kép cho người mua lẫn người bán rơm. Người mua rơm dùng cho việc sản xuất, chăn nuôi, người bán có số tiền nhất định. Muốn rơm dự trữ lâu cũng như thuận tiện trong việc bảo quản cần sử dụng máy cuộn rơm thành cuộn, bình quân mỗi công đất cuộn tầm 25 - 30 cuộn, giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/cuộn. Do nhu cầu sử dụng rơm cọng lớn nên nhiều hộ dân đầu tư máy cuốn rơm để làm dịch vụ. “Theo tôi, việc cuộn rơm hạn chế tối đa việc đốt đồng như trước đây. Trong các tháng mùa mưa, rơm được cuộn sạch giúp lúa gieo sạ không bị ngộ độc phèn”, đồng chí Trần Quang Thái nói.
Bài và ảnh: KHÁNH VY
(KGO) - Nằm trong chuỗi hoạt động tại diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, chiều 3-10, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với hệ thống thương mại năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: