06/07/2023 10:53
NHO RỪNG THÀNH SẢN PHẨM OCOP
Những chùm nho dại mọc theo chân núi xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) được người dân nơi đây khéo léo chế biến thành loại rượu thơm ngon, nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Bà Trần Kim Liên - chủ hộ kinh doanh Kim Liên ấp Hòn Chông, xã Bình An cho biết: “Với công dụng trị đau lưng, nhức mỏi rất tốt, người dân trên địa bàn xã chủ yếu ngâm ủ nho rừng để sử dụng trong gia đình. Nhận thấy đây là sản phẩm tiềm năng có thể sản xuất thương mại, kinh doanh, tôi quyết định sang Australia tìm hiểu quy trình sản xuất rượu nho. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, rút kinh nghiệm, tôi bước đầu thành công cho ra thị trường sản phẩm rượu nho rừng”.
Năm 2022, UBND tỉnh Kiên Giang công nhận rượu nho rừng Kim Liên đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2023, rượu nho rừng Kim Liên được huyện Kiên Lương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và được chọn tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Bà Trần Kim Liên - chủ cơ sở kinh doanh Kim Liên giới thiệu sản phẩm rượu nho rừng.
Hiện rượu nho rừng được sản xuất hoàn toàn thủ công với nhiều công đoạn và trải qua thời gian dài ngâm ủ. Trái nho hái từ rừng đem về được lựa ra, rửa sạch, để ráo rồi xếp vào lu, kiệu ngâm cùng đường phèn, đậy kín ủ thành mật nho. Thời gian ủ từ 8-10 tháng, ủ càng lâu rượu càng ngon. Mật nho rừng tiết ra sẽ được pha trộn với rượu nếp theo tỷ lệ phù hợp để trở thành sản phẩm rượu nho rừng có hương vị nồng, hậu ngọt, dễ uống.
UBND huyện, Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất tham gia nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại tại nhiều sự kiện được tổ chức trong và ngoài tỉnh, qua đó sản phẩm rượu nho rừng được nhiều người tiêu dùng biết đến, ký kết hợp tác tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp lựa chọn và đặt hàng số lượng lớn để làm quà tặng khách hàng, đối tác.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng tới sản xuất theo số lượng lớn, đáp ứng được nhu cầu thị trường, cơ sở đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị tiên tiến hơn để gia tăng công suất. Theo bà Trần Kim Liên, hiện nguồn nguyên liệu nho rừng chủ yếu thu mua từ người dân đi hái trên rừng đem về bán, mỗi ký từ 20.000-30.000 đồng. Đến mùa vụ, nhiều người dân có thêm thu nhập trong lúc nhàn rỗi nhờ nghề hái nho.
Bà Trần Kim Liên chia sẻ: “Trong tương lai, để có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, tôi dự kiến liên kết với người dân thực hiện nhân giống nho rừng, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với bao tiêu sản phẩm. Khó khăn hiện tại của cơ sở đó là nguồn vốn hạn chế, rất mong các cấp, ngành tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để cơ sở được hưởng các chính sách ưu đãi về vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đầu tư hệ thống điện 3 pha phục vụ sản xuất”.
HƠN 50 NĂM GIỮ NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Làm mắm ruốc được xem là nghề truyền thống lâu đời của người dân xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) có hộ duy trì nghề hơn 50 năm. Nghề truyền thống làm mắm ruốc giúp nhiều hộ gia đình có việc làm, thu nhập ổn định hơn.
Nét đặc trưng tạo nên sự khác biệt của mắm ruốc ở vùng đất này chính là nguồn nguyên liệu. Những con ruốc sống cập bãi đá sạch hơn những vùng khác do không có bùn, cát đá, được sơ chế rửa sạch, ủ muối phơi khô dưới nắng, chế biến thành mắm ruốc. Đa phần sản phẩm chỉ được tiêu thụ tại các chợ truyền thống trên địa bàn huyện.
Bà Ngô Thị Thạnh - chủ cơ sở kinh doanh mắm ruốc Út Mập giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thành - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương (Kiên Giang) cho biết, thực tế hiện nay, các sản phẩm làng nghề truyền thống người dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, chưa chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, ít quan tâm đến việc xây dựng và quảng bá sản phẩm.
Để góp phần gìn giữ nghề truyền thống cũng như xây dựng thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm nông nghiệp địa phương, Phòng Kinh tế huyện khuyến khích các hộ kinh doanh đăng ký tham gia chương trình OCOP. Năm 2022, sản phẩm mắm ruốc của cơ sở kinh doanh Út Mập, xã Bình An, được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Bà Ngô Thị Thạnh - chủ cơ sở kinh doanh mắm ruốc Út Mập cho biết sản phẩm sau khi được công nhận OCOP được nhiều người tiêu dùng biết đến, ưa chuộng. Mỗi năm cơ sở xuất bán ra thị trường trên 10 tấn mắm ruốc thành phẩm. Sản phẩm có mặt tại nhiều kênh phân phối như siêu thị, chợ và được bán trên các trang thương mại điện tử, điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản tại khu du lịch.
“Để tạo được chỗ đứng trên thị trường, khẳng định được thương hiệu, trong quá trình sản xuất, tôi chú trọng vệ sinh, an toàn thực phẩm từ khâu đầu vào lựa chọn nguyên liệu phải tươi, sạch đến khâu sơ chế và chế biến thành thành phẩm phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Vì xu hướng người tiêu dùng hiện nay quan tâm sản phẩm phải vừa ngon vừa đảm bảo an toàn sức khỏe”, bà Ngô Thị Thạnh nói.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: