28/06/2022 09:30
SỐ LƯỢNG CÁ THẢ NUÔI TĂNG CAO
Thường ngày, buổi sáng và chiều, anh Nguyễn Quốc Khởi, ngụ ấp An Phú, xã Nam Du tất bật cho cá nuôi trong các lồng bè ăn. Vừa nhanh tay cắt mồi cho cá ăn, anh Khởi cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, gia đình thả nuôi trên 6.000 con cá bớp, cá mú. Cá đang phát triển và sinh trưởng tốt”. Cũng như anh Khởi, hàng chục hộ nuôi cá lồng bè trên biển xã Nam Du đang tích cực chăm sóc cá với hy vọng đạt sản lượng, dễ tiêu thụ, được giá để gỡ lại vụ cá năm 2021 không đạt lợi nhuận vì khó bán và giảm giá. Đồng chí Ngô Thành Tới - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Du cho biết, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, người dân rất phấn khởi, tích cực nuôi trồng thủy sản, giá thủy sản tăng cao so năm 2021. Hiện toàn xã có 90 hộ nuôi cá với 143 bè và 454 lồng, duy trì ổn định. 5 tháng đầu năm 2022, người dân trên địa bàn xã xuất bán trên 85,5 tấn cá các loại, tổng giá trị trên 4,2 tỷ đồng.
Nhiều năm qua, nghề nuôi cá lồng bè ở Kiên Hải giúp nhiều hộ nuôi cá thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh chính trị của huyện. Nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng bè, nhiều hộ trở nên giàu có. Năm 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, cá lồng bè gặp khó trong khâu tiêu thụ và giá cá thương phẩm giảm mạnh. Thế nhưng, các hộ nuôi cá vẫn bám nghề, tìm cách xoay sở, vượt qua khó khăn. Khi tình hình dịch COVID-19 lắng xuống, nông dân tiếp tục đầu tư, thả con giống cho vụ nuôi mới. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải, toàn huyện có 228 hộ nuôi cá lồng bè với 1.128 lồng bè. Từ đầu năm 2022 đến nay, các hộ dân trong huyện thả nuôi 235.000 cá các loại như cá bớp, cá mú, chim vây vàng, cá chẽm, cá chuộng, tăng 200% so năm 2021.
Chị Võ Thị Thắm, ngụ ấp 2, xã Hòn Tre (Kiên Hải) chăm sóc cá nuôi của gia đình.
Đồng chí Đặng Tùng Long - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải cho biết, sau dịch bệnh COVID-19, thị trường tiêu thụ cá lồng bè trở lại bình thường, các doanh nghiệp thu mua với số lượng lớn. Mặt khác, khách du lịch đến địa phương tăng, góp phần tăng số lượng tiêu thụ cá nuôi. Ước sản lượng cá lồng bè toàn huyện xuất bán 6 tháng đầu năm 2022 là 509 tấn, tăng 20% so năm 2021. Giá cá thương phẩm hiện nay 210.000 đồng/kg đối với cá bớp, cá mú 300.000 đồng/kg, cá chẽm 100.000 đồng/kg, cá chim 120.000 đồng/kg.
KHUYẾN KHÍCH ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ, KỸ THUẬT MỚI
Hiện nay, nghề nuôi cá lồng bè của người dân huyện Kiên Hải vẫn còn gặp nhiều khó khăn và đối mặt rủi ro do thiên tai. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cá nuôi biển đòi hỏi tiêu chuẩn ngày càng cao, cá thương phẩm phải có kiểm nghiệm, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm. Một trong những khó khăn và nỗi lo lớn của người dân đó là môi trường nước biển bị ô nhiễm nên cá nuôi dễ nhiễm bệnh, tỷ lệ cá hao hụt cao, ảnh hưởng đến sản lượng. Chị Võ Thị Thắm, ngụ ấp 2, xã Hòn Tre cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, chị thả nuôi trên 60.000 con cá các loại trong 10 bè cá. Do nguồn nước ô nhiễm, cá nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt từ 40-50%. Cả gia đình chị Thắm phải luân phiên chăm sóc, kiểm tra nguồn nước. Cùng nỗi lo với chị Thắm, anh Nguyễn Quốc Khởi nói: “Hiện nay, môi trường nước biển trên địa bàn xã Nam Du bị ô nhiễm kéo dài, chưa có biện pháp xử lý triệt để; giá xăng, dầu tăng cao gây không ít khó khăn cho người dân trong nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy sản”.
Để nghề nuôi cá lồng bè phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng chí Đặng Tùng Long cho biết, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải tiếp tục phối hợp Trạm Khuyến nông huyện khuyến khích, hướng dẫn hộ nuôi chuyển đổi từ lồng nuôi truyền thống sang các loại lồng cải tiến, hiện đại nhằm hướng tới mục tiêu tăng năng suất trên đơn vị diện tích, ứng phó với biến đổi khí hậu. Huyện phối hợp các ngành liên quan của tỉnh tập huấn về các biện pháp phòng bệnh cho cá lồng bè, chính sách ứng dụng công nghệ cao. Song song đó, nắm bắt tình hình dịch bệnh, triển khai quy trình nuôi cá theo VietGAP, chứng nhận an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Kiên Hải sẽ học tập, thử nghiệm và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Hướng tới, huyện rà soát lại quy hoạch nuôi biển trên địa bàn xã Lại Sơn, đồng thời xây dựng kế hoạch và sơ đồ vị trí nuôi biển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nuôi cá lồng bè ở xã Nam Du (Kiên Hải).
Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng cá thương phẩm của thị trường tiêu thụ, huyện Kiên Hải khuyến cáo ngư dân nuôi cá lồng bè theo hướng VietGAP, thực hiện kiểm nghiệm, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đồng chí Đặng Tùng Long cho rằng, người dân cần nuôi cá lồng bè kết hợp với chế biến hải sản, phấn đấu được công nhận sản phẩm OCOP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, tăng giá trị đầu ra của sản phẩm.
Bài và ảnh: TÚ LY - THANH DƯ
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: