11/06/2021 16:44
ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG NHÂN GIỐNG
Theo đồng chí Nguyễn Thái Nguyên - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang, giai đoạn 2011-2020, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ của tỉnh tập trung 5 lĩnh vực: Nông nghiệp, y dược, khoa học, kỹ thuật và công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Trong đó, kết quả vượt trội là nghiên cứu khoa học và công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp, đã góp phần phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, đây là lĩnh vực Kiên Giang có thế mạnh và được cả nước biết đến là sản xuất tôm giống. Toàn tỉnh có khoảng 146 cơ sở sản xuất giống, bao gồm 20 cơ sở sản xuất giống tôm sú, 2 công ty sản xuất giống tôm chân trắng, một cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh, 123 cơ sở sản xuất giống cua biển và 185 cơ sở ương, dưỡng giống thủy sản.
Trên địa bàn tỉnh còn có một trung tâm giống có năng lực nghiên cứu chọn tạo và kinh doanh, có khả năng cung ứng cho tỉnh và các tỉnh lân cận các loại giống cây trồng, vật nuôi. Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang hàng năm lai tạo và cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn lúa giống có khả năng chống chịu phèn mặn cao như giống GKG1, GKG5, GKG9, GKG29, GKG30, GKG34… Đây là những giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, cứng cây, năng suất cao, chất lượng gạo ngon và chống chịu mặn tốt.
ĐỘT PHÁ MÔ HÌNH TÔM - LÚA
Tại các huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, mô hình nuôi tôm kết hợp xen canh trồng lúa không chỉ là mô hình nuôi trồng thủy sản mới của tỉnh mà còn được xem là một tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của vùng đất bị nhiễm phèn mặn của cả nước. Đồng chí Nguyễn Thái Nguyên cho biết: “Đa số các hộ nuôi đều có diện tích nuôi trên một hécta và đạt hiệu quả, năng suất tôm nuôi bình quân khoảng từ 380-500kg/ha. So với trước đây khi độc canh cây lúa, việc chuyển sang nuôi tôm - lúa đã giúp người dân tăng lợi nhuận gấp 2-3 lần”.
Nông dân huyện Kiên Lương (Kiên Giang) thu hoạch tôm.
Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang còn triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất như nuôi tôm chân trắng siêu thâm canh theo hình thức ao lót bạt đáy - hai giai đoạn, bước đầu cho năng suất cao gấp 5,2 - 12,8 lần so với cách nuôi truyền thống. Mô hình này sẽ còn mở rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Trung Sơn (Kiên Lương); vùng sản xuất lúa sạch và lúa hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Kiên Giang (Hòn Đất) và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Trung Sơn (Kiên Lương), tạo điều kiện cho tỉnh tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Giai đoạn 2021-2030, Kiên Giang sẽ tập trung các giải pháp đột phá nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ sinh học trên nguyên tắc ứng dụng đồng bộ giải pháp khoa học và công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, cơ giới hóa, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, chú trọng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ về kinh phí, xây dựng chương trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp.
Ngành chức năng tiếp tục đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới bằng phương pháp nuôi cấy túi phấn, ứng dụng công nghệ tế bào như phát triển kỹ thuật nuôi cấy hạt phấn để rút ngắn quá trình tạo dòng thuần, kết hợp thanh lọc mặn các dòng lúa ở giai đoạn mô sẹo để chọn ra các dòng tái sinh có khả năng chống chịu mặn cao. Song song đó tiếp tục nghiên cứu và tối ưu hóa quy trình kỹ thuật nuôi cấy các đối tượng cây trồng như cây chuối, hoa lan, hoa kiểng các loại.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: