30/09/2022 09:30
CÒN NHIỀU HẠN CHẾ
Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển có đội tàu lớn nhất cả nước. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, tính đến tháng 9-2022, toàn tỉnh có 9.800 tàu đánh bắt thủy sản. Với đội tàu hùng hậu đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành chức năng tỉnh trong việc quản lý hoạt động đánh bắt thủy sản. Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra, diễn biến phức tạp.
9 tháng đầu năm 2022, Kiên Giang có 123 tàu cá vi phạm khai thác IUU; trong đó tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 90 tàu cá vi phạm trong nước với số tiền 6,1 tỷ đồng. Còn lại 33 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang đang điều tra, xác minh và làm việc với chủ tàu, thuyền trưởng.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đội tàu, kiểm tra kiểm soát hoạt động tàu cá của Kiên Giang còn nhiều hạn chế. Tỉnh vẫn còn nhiều tàu cá không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép hết hạn những vẫn tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
Đặc biệt, số lượng tàu cá dưới 12m phân cấp cho các huyện quản lý hết hạn giấy phép khai thác thủy sản chiếm đến 79,6% tổng số tàu cá toàn tỉnh. Tình trạng tàu cá mất kết nối trên biển, mất kết nối trong bờ hoặc có tín hiệu kết nối trong bờ thời gian dài thường xuyên xảy ra với số lượng lớn…
Công nhân lên cá tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang).
Đồng chí Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, nhiều năm qua, ngành thủy sản Kiên Giang đang tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém dẫn đến tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu dừng lại. Với đội tàu lớn, cường lực khai thác đã vượt quá hạn mức cho phép, nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, dẫn đến khai thác hải sản ngày càng không hiệu quả.
Trước áp lực trả nợ các khoản vay tài chính, nhiều chủ tàu cá, thuyền trưởng vì lợi ích kinh tế, cố tình tắt tín hiệu thiết bị giám sát hành trình để trốn tránh sự giám sát của lực lượng chức năng, đưa tàu đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Một số ngành và địa phương chưa sâu sát trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.
QUYẾT TÂM GỠ THẺ VÀNG
Tại hội nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU tháng 9-2022, Tổng cục Thủy sản thông tin, EC khẳng định sẽ không gỡ thẻ vàng nếu Việt Nam còn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Nghề cá Việt nam sẽ đối mặt với nguy cơ bị phạt thẻ đỏ, đồng nghĩa với các sản phẩm thủy sản đánh bắt, sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị kiểm tra gắt gao hơn. Điều này ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam và hình ảnh quốc gia trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập sâu rộng trong khu vực, quốc tế.
Dự kiến trong tháng 10-2022, đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu sẽ trở lại Việt Nam để kiểm tra việc khắc phục thẻ vàng đối với thủy sản. Đây là cơ hội để Việt Nam gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng, hướng tới phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.
Để chuẩn bị đón tiếp đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu vào tháng 10 tới, nhiều tháng qua, Kiên Giang tích cực nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí, khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được đoàn thanh tra chỉ ra.
Theo đồng chí Lê Quốc Anh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh thành lập 16 đoàn thanh tra liên ngành gồm các lực lượng như Hải quân Vùng 5, Cảnh sát biển 4, Hải đoàn 28, kiểm ngư cùng các lực lượng chức năng của tỉnh Cà Mau tiến hành thanh tra, kiểm tra trên các vùng biển. Qua đó, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 146 vụ, nộp ngân sách nhà nước 8,57 tỷ đồng. Tỉnh phối hợp Cảnh sát biển 4 xử lý 13 vụ tàu cá vi phạm khai thác IUU và nộp ngân sách 67 tỷ đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá cũng được tỉnh Kiên Giang tập trung triển khai tại 2 cảng cá chỉ định trên địa bàn tỉnh. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, kiên quyết không cho tàu tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo các giấy tờ quy định, thiết bị giám sát hành trình, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình né tránh trạm kiểm soát biên phòng.
Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành nghị quyết về hỗ trợ cước thuê bao thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho ngư dân. Đây được xem là một trong những nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong việc ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, trợ lực cho ngư dân để vươn khơi bám biển.
Lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các quy định về khai thác IUU cho ngư dân tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang).
Cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp tuần tra, kiểm tra, tăng cường xử lý vi phạm, một trong những giải pháp căn cơ, đóng vai trò quyết định đó chính là nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật Thủy sản và quy định về chống khai thác IUU.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang - Lê Quốc Anh cho biết, để nâng cao ý thức của ngư dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương ven biển tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, theo phương châm đến từng ngõ, gõ từng nhà gặp từng ngư dân để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luât của nhà nước về chống khai thác IUU.
Song song đó, vận động chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, không khai thác hải trái phép, đảm bảo thiết bị giám sát hoạt động 24/24 giờ khi tàu cá hoạt động trên biển…
Ông Dương Tấn Tài - chủ doanh nghiệp tư nhân dịch vụ hậu cầu nghề cá xã Bình An, huyện Châu Thành nói: “Được chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, đa số ngư dân đều chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về khai thác thủy sản. Tàu đi khai thác đều được lắp thiết bị giám sát hành trình. Ý thức chấp hành của ngư dân ngày càng được nâng lên, bởi ngư dân hiểu nếu vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ mất hết tài sản”.
Thời gian chuẩn bị tiếp đón đoàn thanh tra EC không còn nhiều, tỉnh Kiên Giang đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra chéo công tác thực hiện các khuyến nghị của EC đối với các sở ngành, địa phương.
Kiên Giang cũng đã thành lập 2 tổ công tác kiểm tra các cảng biển, sổ sách nhật trình, củng cố các hồ sơ liên quan, hồ sơ vi phạm đảm bảo đúng quy trình quy định để đón tiếp đoàn trong thời gian tới.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: