20/02/2023 17:58
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh (đứng) phát biểu tại buổi gặp gỡ, đối thoại với ngư dân TP. Rạch Giá.
Tại buổi gặp gỡ, đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Lê Quốc Anh thông tin, sau đợt kiểm tra hồi tháng 10-2022, phía Ủy ban châu Âu tiếp tục khẳng định nếu Việt Nam vẫn còn vi phạm vùng biển nước ngoài, dù chỉ 1 tàu vẫn không được rút thẻ vàng.
Nếu như tàu cá và ngư dân Việt Nam tiếp tục khai thác trái phép vùng biển nước ngoài, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, nguy cơ bị Ủy ban châu Âu áp cảnh báo thẻ đỏ là rất lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam, làm thiệt hại lớn đến kinh tế quốc gia, các sản phẩm khác của Việt Nam dù không phải là thủy sản cũng sẽ bị ảnh hưởng, khó tiếp cận thị trường EU.
Đại diện ngư dân, ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Rạch Giá nói: “Tôi kiến nghị nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ cho ngư dân. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 42/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tăng chế tài xử phạt đối với các tàu cố tình đưa tàu đi khai thác IUU”.
Bà Trần Thị Lý, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá phát biểu tại buổi đối thoại.
Bà Trần Thị Lý, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá cho biết bà làm nghề khai thác thủy sản được 30 năm, chưa bao giờ lại gặp khó như bây giờ. Không riêng xăng dầu, tất cả các chi phí khác, ngư lưới cụ đều tăng từ 25-30%. "Vì yêu nghề, tôi không thể đậu tàu. Nếu đậu tàu, tất cả đồ nghề đi biển sẽ hư hỏng, rỉ sét", bà Lý nói.
Ông Phan Quốc Việt, ngụ phường An Bình, TP. Rạch Giá nói: “Tôi có 2 cặp tàu đã đậu ở cảng mấy tháng nay. Các thuyền trưởng nói đi đánh bắt trong nước không có ăn nên không chịu đi”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết đã tham mưu UBND tỉnh về những giải pháp cụ thể như điều tra, sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản, chuyển đổi cơ cấu từ khai thác sang nuôi trồng… Trước mắt, tỉnh rất mong ngư dân sẽ phối hợp, đồng lòng với tỉnh trong việc chống khai thác IUU.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh tặng quà cho ngư dân tại buổi gặp gỡ, đối thoại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh ghi nhận những đóng góp của ngư dân đối với nền kinh tế tỉnh nhà. Những năm qua, ngành khai thác thủy sản đã đóng góp rất lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiện ngành thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn, đang trong chiều hướng đi xuống, nguồn lợi thủy sản giảm sút.
Đồng chí Lê Quốc Anh tha thiết kêu gọi các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân từ nay tới hết tháng 5-2023 không đưa tàu đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Sau đó, tỉnh cam kết sẽ có những giải pháp mang tính đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân như: Kiến nghị Chính phủ có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ tàu chấp hành chủ trương, đồng thời xử lý nghiêm các chủ tàu cố tình vi phạm, công bố danh sách chủ tàu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sau 4 năm kể từ ngày được tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, Vân Khánh từ một xã vùng ven biển của huyện An Minh với kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đến nay địa phương đã có sự đổi thay toàn diện về kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn.
Tổng số lượt truy cập: