10/08/2021 13:33
Thời gian qua, thông tin về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp nông dân trong tỉnh Kiên Giang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được lan tỏa rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Trước cổng Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh, số 213 đường Lê Hồng Phong, phường An Hòa (TP. Rạch Giá) là tấm băng rôn với dòng chữ “Điểm hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản - cùng nông dân vượt qua đại dịch COVID-19” được giăng cao, thu hút sự chú ý của người đi đường. Nhiều người nắm được thông tin này đã đến mua.
Đồng chí Phan Kim Loan - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Kiên Giang cho biết: “Trong thời điểm dịch bệnh, nhiều nông dân gặp khó trong việc tìm đầu ra cho nông sản, dù đó là các loại nông sản được sản xuất theo quy trình VietGAP đảm bảo về mẫu mã và chất lượng. Để chung tay giúp đỡ nông dân, giảm khâu trung gian để giá bán đến tay người tiêu dùng rẻ nhất, trung tâm đã tìm hiểu và nhập về bán tại cửa hàng nhiều loại nông sản với giá bán mang tinh thần ủng hộ để có thể tiêu thụ được số lượng lớn và thu hút được nhiều người mua hơn”.
Thông qua tài khoản cá nhân cán bộ, nhân viên trên Facebook, Zalo, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Kiên Giang kết nối và tiêu thụ được khoảng 5 tấn cá, mực, 6 tấn dưa leo, 20 tấn bắp nếp, 100kg gừng, 500kg khoai môn giúp nông dân các huyện Tân Hiệp, U Minh Thượng, Kiên Hải và Kiên Lương. “Đây không còn là việc mua bán kiếm lời mà chúng tôi đang cố gắng hỗ trợ nông dân khó khăn lúc dịch bệnh, góp phần cùng chính quyền, người dân vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế”, đồng chí Phan Kim Loan chia sẻ.
Gian hàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản và bình ổn giá do Huyện đoàn Giồng Riềng tổ chức tại chợ nông sản Giồng Riềng.
Ghi nhận tại các địa phương, hiện người dân gặp không ít khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản. Khâu phân phối hàng hóa đang ách tắc, thương lái lại hạn chế thu mua nông sản trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhiều mặt hàng nông sản còn tồn đọng trong dân với số lượng khá lớn. Tại xã Nam Du (Kiên Hải), nhiều hộ nuôi cá lồng bè đang gặp khó khăn do cá tới kỳ xuất bán nhưng không có nơi tiêu thụ. Chỉ riêng Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa, xã Nam Du hiện còn 10 tấn cá bớp, 8 tấn cá mú trân châu và 4 tấn cá mú sao nuôi lồng bè tới kỳ xuất bán nhưng chưa tiêu thụ được.
Bà Trần Thị Hội - Giám đốc Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa cho biết: “Ở đảo, bà con chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, nuôi cá lồng bè. Rất may có sự hỗ trợ tiêu thụ của Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh nên mỗi ngày hợp tác xã giúp ngư dân tiêu thụ từ 300-500kg cá, mực các loại, giải quyết việc làm trong thời gian dịch từ 8-14 lao động”.
Nông sản của nông dân các huyện được Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Kiên Giang phân phối đến tay người tiêu dùng.
Việc hỗ trợ nông dân trong tỉnh tiêu thụ nông sản đã được một số cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tích cực tham gia như Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Bưu điện tỉnh. Mới đây, Huyện đoàn Giồng Riềng đã phát động phong trào tiêu thụ, sử dụng nông sản an toàn của nông dân trong huyện thông qua gian hàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản và bình ổn giá từ ngày 22-7. Gian hàng nhằm góp phần tăng sản lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh tại địa bàn. Tiện lợi hơn, gian hàng của Huyện đoàn Giồng Riềng còn nhận giao hàng tận nơi cho những ai có nhu cầu. Chỉ sau 10 ngày phát động, Huyện đoàn Giồng Riềng tiêu thụ được gần 20 tấn rau, măng cụt, khoai lang, vịt thịt...
Các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản được người tiêu dùng hưởng ứng nhiệt tình. Chị Nguyễn Thùy Trâm, ngụ đường Trần Quang Khải, phường An Hòa (TP. Rạch Giá) cho biết: “Thông qua báo chí và mạng xã hội, tôi biết đến chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản không lợi nhuận của Huyện đoàn Giồng Riềng, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh. Đây là việc làm ý nghĩa, tôi muốn góp sức bằng việc mua các sản phẩm này. Các điểm bán hàng với giá hợp lý, chất lượng nông sản đảm bảo, rõ ràng về nguồn gốc nên tôi rất an tâm”.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Nằm trong chuỗi hoạt động tại diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, chiều 3-10, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với hệ thống thương mại năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: