07/03/2023 10:26
Ông Võ Văn Lưỡng (56 tuổi) - Giám đốc Hợp tác xã tôm - lúa ấp Yên Lợi, xã Nam Yên, huyện An Biên cho biết 33 thành viên hợp tác xã đã chuyển 64ha trồng 2 vụ lúa/năm kém hiệu quả sang nuôi 1 vụ tôm - 1 vụ lúa mang lại hiệu quả, trung bình lợi nhuận 100 triệu đồng/ha. “Riêng gia đình tôi có hơn 2ha đã chuyển đổi sang lúa - tôm từ 8 năm nay chưa “gãy” vụ nào; trung bình lãi trên 200 triệu đồng/năm”, ông Lưỡng nói.
Theo ông Lưỡng, ấp Yên Lợi là địa bàn ven biển. Hơn 10 năm trước, hàng năm cứ đến tháng 5 đợi mưa nông dân mang lúa sạ. Có những năm mưa không đều đặn, nước mặn xâm nhập, lúa chết hết. “Nay đã khác, 1ha sau 3 tháng nuôi tôm có thể kiếm 50 triệu đồng, kết hợp thả cua sau 6 tháng kiếm thêm 30 triệu đồng nữa. Nếu nuôi tôm được 2 vụ trong năm, lợi nhuận sẽ cao hơn”, ông Lưỡng cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Phi (62 tuổi), ngụ thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh vừa thu hoạch hơn 1,2 tấn tôm càng xanh từ cánh đồng 5ha, lãi gần 130 triệu đồng.
Ngoài vụ nuôi tôm càng xanh này, ông Phi còn có nguồn thu từ tôm sú, tôm thẻ, cua và cá đồng từ diện tích 5ha trên, giúp ông có thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm. Ông Phi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa 2 vụ/năm trước đây sang 1 vụ tôm - 1 vụ lúa kết hợp nuôi cua. “Nhờ chuyển đổi sang nuôi tôm, cua nên tôi có tiền nuôi 3 con ăn học thành đạt”, ông Phi chia sẻ.
Ông Võ Văn Lưỡng - Giám đốc Hợp tác xã tôm - lúa ấp Yên Lợi, xã Nam Yên, huyện An Biên có hơn 2ha trồng lúa 2 vụ chuyển đổi sang lúa - tôm từ 8 năm nay, thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm.
Thực hiện quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 Kiên Giang được phân bổ kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa 5.119ha; trong đó chuyển sang cây trồng hàng năm 1.431ha, cây lâu năm 804ha (diện tích cây lâu năm được nhân hai để quy ra diện tích gieo trồng) và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 2.080ha. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 11/12 huyện, thành phố thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, với tổng diện tích trên 4.544ha/5.119ha.
Với diện tích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, nông dân từ trồng 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, trồng rau màu, tận dụng mặt nước biển nuôi các loại nhuyễn thể như sò huyết, vẹm xanh… giúp tăng lợi nhuận. Đồng thời, cải tạo đất, nâng cao năng suất, hạn chế dịch hại trên cây trồng, phù hợp đặc điểm sinh thái từng tiểu vùng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đánh giá, hầu hết diện tích sau khi chuyển đổi bình quân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2,5-4 lần so với trước khi chuyển đổi, lợi nhuận tăng thêm từ các mô hình mà nông dân chuyển đổi từ 15-25 triệu đồng/ha đối với mô hình luân canh; từ 35-45 triệu đồng/ha đối với mô hình chuyên canh. Đối với chuyển đổi sang trồng cây ăn trái giúp tăng thêm lợi nhuận 55-65 triệu đồng/ha cho nông dân.
Mặt khác, đối với chuyển đổi từ chuyên trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có điều kiện phù hợp giúp tăng lợi nhuận bình quân hơn 85 triệu đồng/ha/năm. Đây là mô hình kết hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững đang được định hướng mở rộng cho các huyện vùng U Minh Thượng và khu vực ven biển vùng tứ giác Long Xuyên.
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, năm 2022, tỉnh chỉ chuyển đổi được 4.544ha, còn 575ha chưa chuyển đổi theo kế hoạch. Thời gian qua, việc chuyển đổi được cơ cấu cây trồng đồng bộ với quy mô tập trung vẫn còn một số khó khăn nhất định như trình độ sản xuất của một bộ phận nông dân đối với loại cây trồng mới còn hạn chế; vùng quy hoạch chuyển đổi sản xuất tập trung chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ; cây trồng mới chủ yếu nông dân tự bán cho thương lái; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa được nông dân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm…
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang đề ra mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích đất trồng lúa nhiễm phèn, mặn, thường xuyên thiếu nước ngọt, sản xuất lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang cây hàng năm, cây lâu năm, kết hợp với nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện sinh thái từng tiểu vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Qua đó, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất bền vững.
Đến năm 2025, Kiên Giang sẽ chuyển đổi 24.886ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; trong đó, chuyển đổi sang cây hàng năm 6.578ha; sang trồng cây lâu năm 4.109ha; trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 12.888ha. Diện tích chuyển đổi được ứng dụng cơ giới hóa, khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, phát triển kinh tế tập thể và liên kết theo chuỗi cung ứng và bao tiêu sản phẩm. |
Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, tỉnh Kiên Giang tiếp tục rà soát công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu phù hợp điều kiện tự nhiên, đáp ứng được nhu cầu thị trường và tăng hiệu quả sản xuất.
Cùng với đó, tiếp tục mở rộng các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối, hợp tác với nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm, hạn chế rủi ro để tăng thu nhập cho người sản xuất và duy trì phát triển vùng chuyển đổi.
Tỉnh Kiên Giang sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng tổ chức tiêu thụ, sơ chế, chế biến hoặc có khả năng xúc tiến các đầu mối tiêu thụ cho nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tăng cường công tác chọn tạo giống cây trồng, giống thủy sản, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất.
Bài và ảnh: LÊ VINH
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: