28/02/2023 14:50
Khác với việc sửa cây mai theo thời vụ, người nhận chăm sóc, bảo dưỡng cây kiểng dành toàn bộ thời gian trong năm để nuôi cây, chịu trách nhiệm cho thành quả cuối cùng là cây khỏe, dáng đẹp, hoa nở đúng thời điểm phục vụ nhu cầu chơi kiểng, chưng hoa dịp tết của khách hàng.
Với kinh nghiệm 15 năm làm nghề chăm sóc, bảo dưỡng cây kiểng, ông Phạm Văn Tiến, ngụ khu phố 2, phường An Bình trở nên quen thuộc với nhiều khách hàng bởi sự khéo tay trong tạo dáng, tạo thế cho cây kiểng. Ông Tiến kể: “Trước đây tôi chỉ đơn thuần đam mê chơi cây kiểng, bạn bè thấy tạo hình dáng cây đẹp nên nhờ tôi chăm sóc cây kiểng. Qua lời giới thiệu, ngày càng có nhiều người đến ký gửi tôi chăm sóc, bảo dưỡng cây kiểng, cứ thế tôi làm nghề lúc nào không hay”.
Ông Tiến nhận chăm sóc, bảo dưỡng nhiều loại cây kiểng, trong đó nhiều nhất là cây mai. Khách hàng gửi chăm mai chủ yếu là hộ thích chơi mai nhưng không nhiều kinh nghiệm, thiếu không gian hoặc các cơ quan, đơn vị.
Không chỉ phục vụ khách hàng trên địa bàn TP. Rạch Giá, ông Tiến còn nhận làm cho khách hàng ở các huyện. Ông trực tiếp chăm sóc, bảo dưỡng cây kiểng trị giá hàng trăm triệu đồng.
Mô hình trồng mai và chăm sóc, bảo dưỡng cây kiểng của gia đình ông Phạm Văn Tiến,
ngụ khu phố 2, phường An Bình, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).
Sống với nghề bằng đam mê và cái tâm của người thợ, ông Tiến đặt cả tâm huyết, dày công cho việc chăm sóc, uốn nắn, tạo dáng cây đẹp nên được khách hàng tin tưởng. Việc khó nhất là canh thời tiết để mai trổ hoa đúng hẹn.
Ngoài nhận chăm sóc, bảo dưỡng cây kiểng, ông Tiến còn làm chậu kiểng bán, kinh doanh thêm hoa kiểng. Trừ chi phí, mỗi năm ông Tiến có lợi nhuận trên 250 triệu đồng, trong đó lợi nhuận từ nghề chăm sóc, bảo dưỡng cây kiểng trên 150 triệu đồng.
Từ thu nhập kiếm được, ông Tiến mua thêm đất để mở rộng không gian trồng cây kiểng, nhận ký gửi bảo dưỡng cây cho khách hàng, xây nhà trọ cho thuê, kinh tế gia đình khá giả. Năm 2022, ông Tiến được UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2021.
Nhận thấy mô hình làm vườn, chăn nuôi của gia đình hiệu quả kinh tế không cao, ông Diệp Trường Sơn, ngụ khu phố 5, phường An Hòa chuyển đổi sang mô hình trồng mai và nhận chăm sóc, bảo dưỡng cây mai cho khách hàng có nhu cầu sau dịp tết nguyên đán hàng năm. Ông Sơn sử dụng 1.200m² đất của gia đình để thực hiện mô hình. Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây mai, nhiều năm qua ông Sơn nâng cao thu nhập cho gia đình.
Ông Sơn chia sẻ: “Sau khi trừ chi phí điện, nước, phân bón… mỗi năm từ việc chăm sóc, bảo dưỡng cây mai, gia đình tôi lợi nhuận khoảng 110 triệu đồng. Cùng với đó, vườn nhà tôi trồng trên 200 cây mai lớn, nhỏ, giá bán bình quân 1 triệu đồng/cây, hàng năm bán từ 70-80 cây, lãi hơn 70 triệu đồng/năm”.
Hiện ông Sơn nhận chăm sóc, bảo dưỡng hơn 200 cây mai với đủ mức giá, bình quân khoảng 800.000 đồng/cây/năm.
Theo ông Sơn, làm nghề chăm sóc, bảo dưỡng cây kiểng có nhiều rủi ro, quá trình chăm sóc nếu cây mai bị chết, mất thì thợ phải đền, nếu mai không nở đúng dịp tết, người thợ có trách nhiệm thay thế cây giá trị tương đương để khách mang về chưng. Do vậy người làm nghề phải nghiên cứu, nắm vững kỹ thuật chăm sóc mai vàng, công phu trong tạo dáng, tạo thế cho cây để khách hàng có cây mai vàng ưng ý chưng dịp tết.
Để nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình, ông Sơn không ngừng nâng cao kiến thức, tích cực đi học tập kinh nghiệm, thường xuyên tham gia các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt do Hội Nông dân TP. Rạch Giá tổ chức.
Từ mô hình kinh tế của gia đình, ông Sơn tạo việc làm cho 5 lao động với tiền công 5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, ông Sơn đầu tư, mở rộng diện tích đất có sẵn tiếp tục nhận chăm sóc, bảo dưỡng cây mai, trồng các loại cây kiểng để tăng thu nhập cho gia đình.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: