06/08/2021 10:32
HOẠT ĐỘNG GẶP KHÓ
Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 19-7 đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh muốn duy trì sản xuất phải đảm bảo phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”. Tuy nhiên, khi áp dụng phương án sản xuất này, một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Công nhân, lao động tại một số cơ sở sản xuất không thể qua các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 để đến nhà máy làm việc do doanh nghiệp chưa thể thực hiện ngay các phương án theo quy định. Tại một số doanh nghiệp, phần lớn lao động ở khu vực tập trung do doanh nghiệp bố trí nên không thể thực hiện được các phương án theo yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Bình thường, Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường (Châu Thành) có gần 400 lao động trực tiếp làm việc. Từ ngày 19-7 đến nay, thực hiện phương án “3 tại chỗ”, công ty bố trí 150 công nhân ở tại nhà máy làm việc. Công ty tổ chức ăn uống, nghỉ ngơi tại phân xưởng, suất ăn đảm bảo dinh dưỡng, với 3 bữa ăn/ngày cho công nhân. Tất cả chi phí này do công ty hỗ trợ.
Ông Đào Hoàng Chiến - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường cho biết: “Theo phương án “3 tại chỗ”, người lao động được bố trí theo từng ô, từng dãy, từng nhóm sản xuất riêng, trang bị đầy đủ đồ dùng thiết yếu, mỗi hàng cách nhau tối thiểu 2m. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện phương án “3 tại chỗ”, nhiều công nhân đã không thích ứng được và xin nghỉ, mặc dù công ty đã cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho công nhân. Công ty đang vận động công nhân ở lại làm nhưng không biết họ có trụ được lâu”.
Một số cơ sở sản xuất không đủ nguồn lực, điều kiện thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” nên phải tạm ngừng hoạt động. Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng - Giám đốc Sở Công thương cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 23 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, gồm 19 doanh nghiệp chế biến thủy sản, 2 doanh nghiệp sản xuất da giày, 1 doanh nghiệp may mặc, 1 doanh nghiệp chế biến gạo (chỉ thống kê các doanh nghiệp lớn, chưa thống kê doanh nghiệp nhỏ và vừa). Tuy nhiên, tỉnh vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu và nhập hàng hóa, nhất là đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản. Các doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” cắt giảm từ 50-70% lao động so thời điểm trước khi áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang.
Việc vận chuyển nguyên vật liệu, xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp đang gặp khó khăn do việc kiểm soát chặt phương tiện vận chuyển hàng hóa qua các địa phương đang áp dụng lệnh phong tỏa và thực hiện cách ly y tế đối với lực lượng tài xế, lao động trong khâu đóng, nhận hàng khi đi, đến và trở về từ vùng dịch. Việc thực hiện chứng từ thanh toán hàng hóa xuất nhập, khẩu của doanh nghiệp gặp khó do thực hiện việc siết chặt đi lại theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ. Trong khi đó, chi phí dịch vụ logistis trong và ngoài nước tăng cao như vận chuyển, lưu kho, lưu bãi….
“Việc thực hiện giãn cách xã hội làm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, trong tỉnh giảm, kéo theo sự sụt giảm của một số nhóm ngành công nghiệp chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. Các khó khăn nêu trên đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh và ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng của ngành công thương trong những tháng cuối năm”, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng nói.
GỠ KHÓ
Để hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao nhất trong các tháng cuối năm 2021, Sở Công thương kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các phương án sản xuất theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó, chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”; ưu tiên vaccine tiêm ngừa cho lực lượng sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh để ổn định, đảm bảo mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện Sở Công thương đã tiếp nhận kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine của 79 doanh nghiệp trong tỉnh với 25.724 lao động tham gia sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”.
Tại các chốt kiểm dịch phòng, chống dịch COVID-19, Sở Công thương đề nghị địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được đi qua lại các chốt kiểm soát để thực hiện các thủ tục thanh toán, giao dịch và các hoạt động khác phục vụ sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngành công thương đã kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo các tỉnh, thành phố trên địa bàn tỉnh có hệ thống cảng xuất khẩu thực hiện ổn định các chi phí dịch vụ logistics để giảm chi phí sản xuất, xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: