14/08/2023 15:07
KHAI THÁC TIỀM NĂNG
Đến xã Tiên Hải vào những ngày nắng đẹp, dọc theo những tuyến đường là những vỉ cá khô ánh lên màu vàng nhạt được xếp thật khéo léo làm du khách không khỏi trầm trồ. Trên khoảnh sân nhỏ trước nhà, chị Trần Chí Khỏe, ngụ ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải phơi 3 vỉ khô cá đỏ. Tận dụng nguồn cá tươi từ ghe cào của gia đình, chị Khỏe cùng ba mẹ chồng xẻ khô, làm chả cá bán cho khách du lịch.
“Trung bình mỗi ngày từ bán chả cá, bán khô, gia đình cũng kiếm được 1-2 triệu đồng. Hiện đầu ra sản phẩm khô của gia đình ổn định, có lúc không đủ bán vì phụ thuộc nhiều vào lượng cá đánh bắt của tàu cá”, chị Khỏe nói.
Theo Hội Nông dân xã Tiên Hải, mỗi năm xã cung cấp cho thị trường trên 1.500 tấn khô các loại, phần lớn khô được bán cho du khách mua làm quà. Ngoài việc chế biến cá khô bán lẻ, nhiều hộ còn làm đầu mối thu gom cung cấp cho các vựa tiêu thụ tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Tiên.
Sinh kế của người dân xã đảo Tiên Hải còn có nghề nuôi cá lồng bè trên biển với tổng số hơn 1.000 lồng bè. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá bớp, cá mú, cá đưng, bè vẩu. Song những năm gần đây, ngư dân nuôi cá lồng bè gặp nhiều khó khăn.
Ông Đinh Văn Thu, ngụ ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải nói: “Tôi nuôi cá lồng bè ở vùng biển này 4 năm. Năm đầu có lợi nhuận 150 triệu đồng, 3 năm gần đây năm nào cũng huề vốn hoặc lỗ vì nước ô nhiễm làm cá chết”.
Đồng chí Phan Kim Loan (giữa) - Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tham quan cơ sở sản xuất khô của ông Hoàng Tư Kim (bìa trái), ngụ xã Tiên Hải.
Theo đồng chí Bùi Thanh Tấn - Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Hải, nắm được tình hình khó khăn của các hộ nuôi cá lồng bè trên biển, Hội Nông dân xã kiến nghị Hội Nông dân tỉnh mời chuyên gia nghiên cứu và hướng dẫn cách điều trị nhằm hỗ trợ các hộ có cá nhiễm bệnh. Sau quá trình điều trị, tình hình nhiễm bệnh của cá ở các lồng bè đã được kiểm soát và xử lý hiệu quả.
Cùng với đó, Hội Nông dân xã Tiên Hải tạo điều kiện để 10 hộ dân nuôi cá lồng bè vay vốn ưu đãi 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để đầu tư chi phí thức ăn, con giống, gia cố lồng bè.
THÊM SINH KẾ MỚI
Toàn xã Tiên Hải có 16 đảo lớn, nhỏ và 2 đảo chìm, tổng diện tích tự nhiên hơn 283ha. Đời sống kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào khai thác hải sản và nuôi cá lồng bè trên biển. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề đánh bắt gần bờ thất bát, nguồn thức ăn cá tạp phục vụ nghề nuôi cá lồng bè dần khan hiếm khiến người dân gặp khó.
Nhằm tìm hướng đi mới giúp người dân ổn định đời sống, tháng 3-2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang và Ủy ban nhân dân xã Tiên Hải làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn DBLP (Phú Yên) bàn giải pháp phát triển vùng nguyên liệu rong sụn nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Ông Đỗ Linh Phương - Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn DBLP cho biết: “Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy các yếu tố môi trường tại Tiên Hải phù hợp cho sự sinh trưởng của rong sụn. Nếu phát triển vùng trồng rong sụn sẽ góp phần cho công tác quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, vừa tạo thu nhập ổn định cho người dân, vừa có thể phát triển dịch vụ du lịch câu cá giải trí tại khu vực này”.
Cũng theo ông Phương, ngoài được dùng làm thực phẩm với hàm lượng dinh dưỡng cao, được ví như sâm biển, có giá trị kinh tế cao, rong sụn còn là nguyên liệu chiết xuất carrageenan, một loại keo có giá trị sử dụng lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm…
Trong chuyến làm việc tại xã Tiên Hải, Công ty Trách nhiệm hữu hạn DBLP tặng Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản xã Tiên Hải 5.000 cây giống rong sụn Kappaphycus Alvarezii trồng thử nghiệm.
Ông Phương nói: “Định kỳ 2 tuần/lần, công ty cử cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ trồng rong sụn. Hộ nào có nhu cầu trồng mới hoặc mở rộng diện tích, công ty cung cấp giống, hỗ trợ một phần chi phí và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm”.
Bài và ảnh: AN LÂM
(KGO) - Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 533,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Tổng số lượt truy cập: