12/12/2023 10:16
Hơn 30 năm hoạt động, đây là giai đoạn khó khăn của nhà máy xay lúa Đoàn Ngọc Chưởng. Nhà máy đã tạm ngưng hoạt động nhiều ngày qua do không có lúa để xay.
Bà Đoàn Ngọc Chưởng - chủ nhà máy xay lúa Đoàn Ngọc Chưởng, khu phố Vĩnh Phước, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) cho biết: “Không chỉ cơ sở xay lúa nhà tôi, nhiều nhà máy trên địa bàn huyện Giồng Riềng thường xuyên tạm ngưng hoạt động hoặc một số nhà máy ngưng hoạt động hẳn do nguồn lúa đưa vào nhà máy xay giảm”.
Từng hoạt động với công suất xay lúa hơn 100 tấn/ngày, hiện nhà máy xay lúa Hải Nương, ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng đang hoạt động cầm chừng, anh Ngô Thạch Ngởi - quản lý nhà máy xay lúa Hải Nương chia sẻ: “Khoảng 4-5 năm nay, sản lượng lúa đưa vào các cơ sở, nhà máy xay lúa giảm mạnh so thời gian trước. Thường vào vụ lúa đông xuân, bạn hàng đưa lúa về nhà máy xay nhiều nhất, nhưng vụ thu hoạch lúa đông xuân những năm gần đây nguồn lúa đưa về nhà máy xay không nhiều, khoảng 20-30 tấn/ngày, giảm từ 78-80% so với trước”.
Một xí nghiệp chế biến gạo xuất khẩu trên địa bàn xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) tạm ngưng hoạt động do không đủ nguồn lúa cung ứng.
Theo anh Ngô Thạch Ngởi, để có nguồn lúa xay xát, nhà máy xay lúa Hải Nương phải thuê ghe thu mua lúa tươi của người dân trong tỉnh hoặc các tỉnh như An Giang, Trà Vinh, Hậu Giang,… Giá thu mua lúa tươi phải cạnh tranh với thương lái, phải mất thêm chi phí thuê ghe, tiền xăng, dầu vận chuyển. Nhiều nhà máy hoạt động không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nên ngưng hoạt động, giải thể.
Đồng chí Võ Văn Phi - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) cho biết: “Hiện xí nghiệp chế biến gạo xuất khẩu, nhà máy xay lúa ở xã hoạt động chưa hết công suất so những năm trước đây do cạnh tranh về giá với các thương lái từ nhiều nơi đến bao tiêu, thu mua lúa tại địa phương. Mặt khác, người trồng lúa bán hết lúa thu hoạch được, mua gạo về ăn, không còn đến nhà máy chà gạo để trữ ăn”.
Nhà có 6ha đất trồng lúa, vừa sạ được hơn 1 tháng nay đã có 3-4 “cò lúa” đến ngỏ lời bao tiêu ruộng lúa của chị Nguyễn Ngọc Điệp, ngụ ấp Thạnh Nguyên, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng. “Thương lái và cò lúa từ nhiều nơi đến mua lúa và tôi chọn thương lái mua với giá cao nhất để bán. Sau thu hoạch, gia đình tôi đều bán hết lúa cho thương lái, ra chợ mua gạo về ăn”, chị Điệp nói.
Đồng chí Huỳnh Văn Thái Quỳnh - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng cho biết: “Thời gian tới, huyện định hướng, hỗ trợ kết nối xí nghiệp, nhà máy xay lúa trên địa bàn huyện với hợp tác xã để đảm bảo được đầu vào, nguồn lúa cung ứng cho các xí nghiệp, nhà máy hoạt động ổn định”.
Bài và ảnh: THÚY ANH
(KGO) - Sau 4 năm kể từ ngày được tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, Vân Khánh từ một xã vùng ven biển của huyện An Minh với kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đến nay địa phương đã có sự đổi thay toàn diện về kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn.
Tổng số lượt truy cập: