29/08/2024 14:02
Những chuyến biển lỗ nhiều hơn lãi, thu không đủ bù chi vì khai thác không còn hiệu quả khi ngư trường cạn kiệt nguồn hải sản, khiến nhiều ngư dân Kiên Giang không còn đủ khả năng bám trụ với nghề.
TÀU NẰM BỜ VÌ CẠN TIỀN
Nhớ lại thời gian hoàng kim của nghề đánh bắt xa bờ khi ngư trường Kiên Giang còn nhiều tôm cá, mỗi chuyến biển đem về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho chủ tàu. Lợi nhuận hấp dẫn từ nghề biển khiến nhiều người dân vay vốn ngân hàng đóng tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ với hy vọng làm giàu từ biển.
Ông Nguyễn Hữu Thành, ngụ ấp Vàm Biển, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất cũng bắt đầu chuyển đổi nghề từ lắp đặt giã cào sang đầu tư tàu thuyền lớn để đánh bắt hải sản xa bờ. Qua hơn 15 năm, ông Thành có trong tay 4 cặp tàu, mỗi chiếc có công suất từ 400 - 450 CV.
Những tưởng nghề đánh bắt xa bờ giúp người dân hiện thực hóa ước mơ làm giàu, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, nghề đánh bắt hải sản đang dần đi xuống, nguồn lợi hải sản không còn như trước, lợi nhuận mỗi chuyến biển dần ít đi, thậm chí 2 tháng ra khơi trở về lượng hải sản chỉ đủ bù vào tiền dầu và trả tiền cho bạn thuyền, sau khi trừ hết tất cả các khoản chi phí bỏ ra, ông Thành còn phải bù thêm tiền nhà để tu sửa tàu, ngư lưới cụ.
Nhiều tàu cá nằm bờ nhiều tháng nay tại cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành) vì hết tiền ra khơi.
Nguồn lợi hải sản cạn kiệt, sản lượng đánh bắt giảm đáng kể, trong khi giá cả nhiên liệu, ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm, nước đá đều tăng, giá cả các mặt hàng hải sản hiện sụt giảm mạnh. Nhiều chủ tàu thu không đủ bù chi, lâm vào cảnh nợ nần, không còn khả năng tiếp tục đưa tàu ra khơi. Nhiều chủ tàu phải cho tàu nằm bờ dài hạn bởi vì cạn tiền.
Ông Nguyễn Hữu Thành cho biết: “Nghề đánh bắt xa bờ không còn ngon ăn nữa. Nếu trước đây mỗi chuyến tàu về chủ tàu còn lãi từ 300 - 400 triệu đồng, giờ kiếm 100 triệu đồng/chuyến đã xem là may mắn lắm rồi. Trừ hết chi phí sinh hoạt, ăn uống, đám tiệc, lãi vay ngân hàng, thì còn chừng vài chục triệu đồng. Từ trước Tết Nguyên đán tới nay, 2/4 cặp tàu của tôi buộc phải nằm bờ vì khai thác không hiệu quả”.
Với thâm niên mấy chục năm trong ngành đánh bắt hải sản xa bờ, ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Rạch Giá cho biết: “Khó khăn lớn nhất đối với ngành đánh bắt hải sản hiện nay là nguồn lực tài chính. Để một cặp tàu công suất lớn ra khơi, tôi cũng như nhiều chủ tàu khác trên địa bàn TP. Rạch Giá phải rất chật vật để lo tiền trang trải chi phí cho chuyến biển".
Theo ông Ngữ, hiện chi phí cho một chuyến biển đã lên đến gần 1,3 - 1,4 tỷ đồng cho một cặp tàu cào đôi ra khơi khoảng 30 ngày. Đối với các tàu làm nghề lưới khác, chi phí cũng khoảng từ 500 - 600 triệu đồng/tàu, trong đó chi phí xăng, dầu đã chiếm hơn 70% tổng chi phí chuyến biển. Giá xăng, dầu từ tết đến nay vẫn neo ở mức cao, cộng thêm giá cả các mặt hàng khác như nước đá, lương thực, thực phẩm cũng tăng theo giá dầu. Trước đây, khi tàu còn đánh bắt hiệu quả, đại lý xăng dầu còn cho chủ tàu mua gối đầu, bây giờ đánh bắt ngày càng lỗ, nên người ta cũng sợ, không dám cho mua trước trả sau nữa.
Gánh nặng về chi phí ra khơi đang đè nặng lên vai các chủ tàu, một chuyến biển được ngư dân ví như một canh bạc giữa trùng khơi. Tàu may mắn, sau vài tháng có thể lời được từ vài chục đến trăm triệu đồng, còn nếu không may thì phải chịu lỗ. Khi hoạt động kinh doanh lỗ, không còn khả năng quay vòng vốn, nhiều chủ tàu ngậm ngùi cho tàu nằm bờ dài hạn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, qua theo dõi trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá, có khoảng 2.667/3.609 chiếc còn duy trì tín hiệu hoạt đông, còn lại phần lớn tàu cá nằm bờ, tạm ngưng hoạt động do khai thác không mang lại hiệu quả.
BÁN TÀU VÌ KHÔNG CẦM CỰ NỔI
Hội Nghề cá TP. Rạch Giá có khoảng 400 hội viên, với hơn 700 tàu cá đánh bắt xa bờ công suất lớn; trong đó có hơn 50% hội viên đang đứng bên bờ vực phá sản, 20% tàu cá đang bị ngân hàng giữ để xử lý nợ. Phần lớn các chủ tàu duy trì hoạt động đều đã thế chấp tài sản, nhà cửa vào ngân hàng để vay vốn tái đầu tư sản xuất. Tàu ra khơi hay không ra khơi thì chủ tàu vẫn phải trả nợ gốc và lãi hàng tháng.
Ông Trương Văn Ngữ từng sở hữu 13 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Những năm qua, số lượng tàu thuyền gia tăng nhanh, cường lực khai thác vượt xa trữ lượng cho phép của ngư trường, đa phần tàu cá khai thác đánh bắt ở vùng biển Kiên Giang không còn hiệu quả, để cắt lỗ, ông Ngữ đã bán đi 8 chiếc, 5 chiếc hoạt động cầm chừng.
Mỗi chiếc tàu đóng mới có giá lên đến vài tỷ đồng, nhưng khi bán, chủ tàu chỉ thu về chưa được 50%. Ông Ngữ cho biết: “Gắn bó với nghề biển từ nhỏ, trải qua nhiều thăng trầm, nghề biển mang lại thu nhập, kinh tế khá giả cho gia đình, thế nhưng chưa khi nào nghề biển lại gặp nhiều khó khăn như lúc này. Rẻ cũng phải bán, bởi nếu tiếp tục ôm tàu thì sẽ càng thua lỗ. Mà có đi cũng thu không đủ chi, trong khi đó nếu neo tàu nằm bờ dài ngày cũng hư hỏng, xuống cấp, khi đó bán không ai mua”.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành cũng đang rao bán một cặp tàu nhiều tháng nay nhưng chưa có người hỏi mua. Ông Dũng cho biết: “Ngay thời điểm khó khăn này, việc tìm người mua tàu cũng rất khó, bởi người ta cũng biết nghề biển giờ làm không có ăn, lỗ nhiều hơn lời. Tàu thì nằm bờ, nợ ngân hàng bủa vây, tôi cũng mong Nhà nước xem xét có chính sách giãn nợ, khoanh nợ, hỗ trợ tái cho vay để chủ tàu có thể tiếp tục vươn khơi bám biển”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Tháng 8-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Kiên Giang ước 97 triệu USD, tăng 7,5% so với tháng trước, tăng 9,9% so cùng tháng năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 698,7 triệu USD, đạt 67,2% kế hoạch năm và tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu 611 triệu USD, nhập khẩu 87,7 triệu USD.
Tổng số lượt truy cập: