14/03/2024 09:59
NỐI THÔNG NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG
Đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pắc Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183km. Tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía tây dài 684km. Đến nay, dự án đã hoàn thành 2.488/2.744km và khoảng 258km tuyến nhánh, còn lại 256km đang triển khai, trong đó đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhứt, Gò Quao - Vĩnh Thuận (Kiên Giang) là một trong những dự án thành phần cuối cùng được đầu tư xây dựng để cơ bản nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2025.
Đường Hồ Chí Minh điểm cầu Bến Nhứt, huyện Giồng Riềng ((Kiên Giang). Ảnh: TÂY HỒ
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang, hiện đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh ta trùng với tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hiện được khai thác như cao tốc và chuẩn bị nâng cấp mặt đường trong năm 2024. Đến nút giao cuối tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đường Hồ Chí Minh tiếp tục trùng với tuyến tránh TP. Rạch Giá đến ngã ba giao với quốc lộ 61, sau đó đường Hồ Chí Minh trùng với quốc lộ 61 kéo dài đến km 88+540 thuộc huyện Châu Thành (vị trí này đoạn gần Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh). Hiện nay, các đoạn nói trên đã được đầu tư, đảm bảo theo thiết kế của dự án.
Ngày 17-3-2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhứt, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Ngày 26-9-2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 3.904,072 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Toàn tuyến khoảng 51,94km. Đường quy mô đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h; trong đó, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhứt dài khoảng 11,2km, điểm đầu tại km0+000 thuộc huyện Châu Thành (vị trí đoạn gần Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an Kiên Giang) cho đến cầu Km80 (tiếp giáp giữa huyện Châu Thành và huyện Giồng Riềng) sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt đường đảm bảo thiết kế của dự án.
Đoạn từ cầu Km80 đến cầu Bến Nhứt sẽ thảm nhựa mặt đường, không mở rộng thêm vì đã đảm bảo theo thiết kế. Đoạn Bến Nhứt đến cầu Lộ Xe (km26+644.35, gần cầu Rạch Tìa thuộc huyện Gò Quao) đã được đầu tư trước đó và hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Như vậy, sau khi dự án hoàn thành, đường Hồ Chí Minh đi qua Kiên Giang có điểm đầu từ TP. Cần Thơ trùng với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, sau đó đi trùng với quốc lộ 61 đến cầu Lộ Xe thuộc địa bàn huyện Gò Quao.
Đường Hồ Chí Minh tại vị trí điểm đầu km0+000 thuộc huyện Châu Thành (vị trí đoạn gần Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an Kiên Giang). Ảnh: THANH DƯ
Đối với đoạn từ cầu Lộ Xe (Gò Quao) đến huyện Vĩnh Thuận sẽ được đầu tư mới, đi qua 3 huyện Gò Quao, Vĩnh Thuận (Kiên Giang) và Hồng Dân (Bạc Liêu). Đáng chú ý, đường Hồ Chí Minh sẽ cắt giao với đường dẫn vào cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khi hoàn thành, sau đó chạy dài phía sau Huyện ủy Vĩnh Thuận hiện hữu và kết thúc ở điểm cuối tại km61+342. Lúc này, đường Hồ Chí Minh trùng với quốc lộ 63 hiện nay.
Sau khi hoàn thành dự án, đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Kiên Giang sẽ bắt đầu từ TP. Cần Thơ, kéo dài đi qua một đoạn tỉnh Bạc Liêu sau đó có điểm kết nối vào cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và kéo dài đến huyện Vĩnh Thuận với chiều dài toàn tuyến khoảng 101km.
ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết đường Hồ Chí Minh trở thành mạch máu giao thông quan trọng của đất nước, kết nối từ Nam ra Bắc. Đối với tỉnh ta, dự án là một trong 17 đoạn tuyến đường bộ hết sức quan trọng đi qua tỉnh theo quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Lễ khởi công dự án ngày 6-3 chỉ là sự khởi đầu, phía trước còn nhiều việc phải khẩn trương thực hiện. Về phía Kiên Giang, UBND tỉnh cam kết bảo đảm tiến độ các phần việc thuộc trách nhiệm của địa phương. Tôi kêu gọi bà con nhân dân đồng thuận, tích cực phối hợp, tạo điều kiện và bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai thi công trong thời gian sớm nhất”, đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn cho biết.
Sau khi đường Hồ Chí Minh đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận hoàn thành người dân sẽ không còn phải qua phà Xáng Cụt. Ảnh: TÂY HỒ
Ông Lê Thuận Đoàn - Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa, đơn vị thi công gói thầu XL1, XL2 đường Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi nhận định trong thời gian tới phải đối mặt với các khó khăn như vướng mắc mặt bằng thi công, khan hiếm nguồn vật liệu, xây dựng công trình qua khu vực có địa chất phức tạp, nền đất yếu cần xử lý, khan hiếm nhân lực và thiết bị do cả nước đang triển khai nhiều dự án lớn. Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm vượt qua khó khăn, công trình sẽ hoàn thành đúng tiến độ, với chất lượng tốt”.
Đường Hồ Chí Minh, điểm cầu Km80, tiếp giáp giữa huyện Châu Thành và huyện Giồng Riềng. Ảnh: THANH DƯ
Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhứt, Gò Quao - Vĩnh Thuận đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ riêng Kiên Giang mà còn đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi hoàn thành sẽ nối thông các huyện Gò Quao, Hồng Dân (Bạc Liêu) và Vĩnh Thuận (Kiên Giang) bằng đường bộ, sẽ thay thế 3 phà hiện hữu. Đây là khu vực có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống kinh tế còn khó khăn, nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, là vùng trồng lúa và cây ăn trái lớn của vùng nhưng chưa có hệ thống đường ô tô tương xứng để khai thác các lợi thế của vùng.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, ngụ khu phố Phước Hưng 1, thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao (Kiên Giang) chia sẻ: “Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn đáp ứng mong mỏi của người dân bao thế hệ. Đây là món quà ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ đối với người dân trong khu vực. Tôi và người dân sống trên tuyến đường luôn chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách về đền bù giải tỏa, luôn tạo điều hiện tốt nhất để các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, sớm đưa đường Hồ Chí Minh vào khai thác đúng theo kế hoạch đã đề ra”.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết khi hoàn thành, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhứt, Gò Quao - Vĩnh Thuận tạo thành hệ thống giao thông đường bộ liên vùng hoàn chỉnh, giảm tải lưu lượng cho các tuyến đường bộ trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu nói riêng và khu vực Tây Nam bộ nói chung…
TÂY HỒ - THANH DƯ
(KGO) - Sau 4 năm kể từ ngày được tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, Vân Khánh từ một xã vùng ven biển của huyện An Minh với kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đến nay địa phương đã có sự đổi thay toàn diện về kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn.
Tổng số lượt truy cập: