26/05/2021 10:56
TÂM LÝ E NGẠI
Làm nghề chạy xe ôm, anh Nguyễn Văn Bảy, ngụ khu phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá) cho biết: “Xăng E5 đưa vào sử dụng rộng rãi thay xăng Ron 92 nhưng tôi vẫn chưa dám sử dụng dù rẻ hơn xăng Ron 95”. Theo anh Bảy, xe gắn máy anh đang sử dụng là tài sản, phương tiện để anh kiếm sống nuôi gia đình, lo ngại sử dụng xăng E5 sẽ làm xe hư hỏng nên từ trước đến nay, xăng Ron 95 vẫn là sự lựa chọn duy nhất của anh Bảy.
Cửa hàng xăng dầu Hữu Khương tại lô E7-28, đường 3 Tháng 2, phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá) bắt đầu kinh doanh xăng E5 từ tháng 4-2015. “3 tháng đầu kinh doanh xăng E5, sản lượng tiêu thụ trung bình trên 200 lít/ngày, sau đó sản lượng chỉ còn vài chục lít/ngày. Xăng để trong kho lâu cũng thất thoát nhiều nên sau 7 tháng kinh doanh xăng E5, đến nay chúng tôi không nhập xăng E5 nữa”, anh Nguyễn Thế Anh - đại diện Cửa hàng xăng dầu Hữu Khương cho biết.
Theo đánh giá của Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương Kiên Giang), từ khi triển khai thực hiện lộ trình phân phối xăng E5 theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh đến nay, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh chưa chủ động được nguồn xăng E5 để phân phối cho các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trực thuộc. Vì thế, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đôi lúc chưa đảm bảo được nguồn xăng E5 để bán ra thị trường. Số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng E5 ít, sản lượng xuất bán xăng E5 cũng hạn chế.
Sau một thời gian triển khai kinh doanh xăng E5, Cửa hàng xăng dầu Hữu Khương tại lô E7-28, đường 3 Tháng 2, phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) ngưng nhập loại nhiên liệu mới này do sản lượng tiêu thụ chậm. Trong ảnh: Nhân viên Cửa hàng xăng dầu Hữu Khương bơm xăng Ron bán cho khách hàng.
Ông Phạm Minh Tùng - Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh xăng dầu An Bình cho rằng nếu doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng, nhưng tâm lý người tiêu dùng còn e ngại, chưa tin tưởng xăng E5 chạy an toàn cho động cơ xe máy thì sản lượng tiêu thụ chậm, nhiên liệu thất thoát, doanh nghiệp kinh doanh không lợi nhuận. Đó là chưa kể, để nhập xăng E5 về bán, trước hết doanh nghiệp phải đầu tư bồn chứa, cột bơm chi phí cao. Nếu trụ bơm cũ doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí để vệ sinh bồn, trụ bơm và thay đổi biểu, bảng giá.
GỠ KHÓ
Để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư kinh doanh xăng E5, E10 theo lộ trình của Chính phủ và của tỉnh Kiên Giang, ông Phạm Minh Tùng đề nghị: “Thời gian qua, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng E5. Chúng tôi đề nghị Sở Công thương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi thiết bị hoạt động kinh doanh xăng E5. Đặc biệt tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu về những ưu việt khi sử dụng xăng E5 nhằm từng bước thay đổi thói quen của người tiêu dùng”.
Anh Nguyễn Thế Anh cho rằng để thực hiện thành công lộ trình phân phối xăng E5, E10 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Nhà nước nên cho chạy thử nghiệm đối với các loại xe công tại các cơ quan nhà nước một thời gian nhất định. Kết quả này sẽ minh chứng cụ thể cho việc đánh giá chất lượng xăng E5, giúp người tiêu dùng tin tưởng và chấp nhận loại nhiên liệu mới này.
Để thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, tạo được sự đồng thuận cao của người tiêu dùng và doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã có công văn kiến nghị Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với các cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng E5 như chính sách hoán cải bồn, bể chứa, chính sách hỗ trợ đầu tư, chính sách hoa hồng; dần thay thế loại xăng khoáng truyền thống (Ron 92) bằng xăng E5. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền lợi ích ưu thế của việc sử dụng xăng E5 so với các loại nhiên liệu khoáng truyền thống đến người tiêu dùng, tạo được lòng tin cũng như ý nghĩa của việc sử dụng nhiên liệu sinh học này.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Nằm trong chuỗi hoạt động tại diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, chiều 3-10, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với hệ thống thương mại năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: