21/02/2023 09:14
Chi hội Yến sào Kiên Giang đã và đang chuẩn bị các điều kiện cho việc xuất khẩu sản phẩm yến sào sang thị trường Trung Quốc. Ông Trần Phước Ninh - Chủ tịch Chi hội Yến sào Kiên Giang cho biết với việc chính thức ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc, Việt Nam đã hoàn tất quy trình đưa một trong những thực phẩm đắt giá sang thị trường Trung Quốc sau nỗ lực đàm phán giữa hai bên. Việc này mở ra cơ hội phát triển cho ngành nuôi yến, nâng cao thu nhập cho hàng ngàn hộ nuôi yến nước ta, trong đó có Kiên Giang.
Hiện Kiên Giang có khoảng 3.000 nhà nuôi chim yến, sản lượng yến sào thu hoạch năm 2022 ước khoảng 17,5 tấn, tăng 2,9% so kế hoạch, tăng gần 2% so năm 2021. Nghề nuôi chim yến tại tỉnh đã và đang phát triển mạnh, mang lại nguồn thu khá cao cho hộ nuôi.
Theo một số cơ sở và hộ nuôi yến tại Kiên Giang, hiện tổ yến thô có giá 20-25 triệu đồng/kg, tổ yến tinh chế từ 30-35 triệu đồng/kg, tổ yến rút lông 35-40 triệu đồng/kg.
Để đủ điều kiện xuất khẩu yến sào sang Trung Quốc, ông Trần Phước Ninh cho rằng: “Các thủ tục cần thiết cho việc xuất khẩu yến khá nhiều, do đó các doanh nghiệp cần thực hiện ngay từ bây giờ để đến ngày 30-3-2024 kịp trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và gửi cho phía cơ quan chức năng Trung Quốc thẩm định và chấp thuận”.
Sơ chế tổ yến tại cơ sở sản xuất yến sào Du Long của gia đình anh Trần Quốc Phương, phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).
Theo ông Tiền Ngọc Tiên - Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VII, trước hết doanh nghiệp phải phối hợp các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương để tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh cúm gia cầm, Newcastle tại các nhà nuôi chim yến. Đồng thời, tổ chức giám sát, lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc. Để đáp ứng được các tiêu chí này ngành yến Kiên Giang cần chuyển đổi rất nhiều, trong đó khó nhất là phải có xác nhận nhà yến hợp pháp, xây dựng đúng quy hoạch, quy định pháp luật.
Từ các quy định trên, vấn đề đặt ra là liệu những cơ sở nuôi yến tự phát tại khu dân cư, không nằm trong khu quy hoạch nuôi yến của tỉnh có đủ điều kiện cấp mã số xuất khẩu hay không? Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đình Xuyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang thông tin: “Theo dự thảo hướng dẫn tạm thời đăng ký và xác nhận mã số cơ sở nuôi chim yến, trường hợp nhà yến trong khu dân cư hoặc cách khu dân dưới 300m thì cho giữ nguyên hiện trạng, không cơi nới thêm. Đồng thời, không được sử dụng loa phóng phát âm thanh mà chỉ được mở loa ru”.
Ông Xuyên đề nghị Chi hội Yến sào Kiên Giang đẩy mạnh công tác truyền thông đến hội viên để các cơ sở nuôi nắm và thực hiện theo quy định để thuận lợi cho quá trình đăng ký thủ tục xuất khẩu sau này.
Để rộng đường xuất khẩu yến sào Kiên Giang, ông Lương Thanh Hải - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Kiên Giang cho rằng: “Trước hết cần có giải pháp gia tăng giá trị sản phẩm yến sào bằng cách thực hiện liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Chi hội Yến sào Kiên Giang cần đẩy mạnh truyền thông, hỗ trợ các hộ nuôi yến nhỏ lẻ liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu yến nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận”.
"Bình quân mỗi tháng cơ sở tiêu thụ khoảng 300kg yến các loại. Ngoài sử dụng nguyên liệu từ 8 nhà yến của gia đình, cơ sở còn liên kết, tiêu thụ tổ yến với nhiều hộ nuôi khác. Do đã có chuẩn bị từ trước nên hiện cơ sở sản xuất yến sào Du Long sắp hoàn tất thủ tục pháp lý để xuất khẩu yến sào sang thị trường Trung Quốc”, ông Trần Quốc Phương - chủ cơ sở sản xuất yến sào Du Long, phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Sau 4 năm kể từ ngày được tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, Vân Khánh từ một xã vùng ven biển của huyện An Minh với kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đến nay địa phương đã có sự đổi thay toàn diện về kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn.
Tổng số lượt truy cập: