06/11/2022 15:13
Trước đây chuối Việt Nam đã xuất chính ngạch sang Trung Quốc nhưng những quy định mới dừng lại ở những yêu cầu cơ bản, chưa được cụ thể. Mới đây, ngày 1-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Việc ký Nghị định thư là một bước tiến lớn trong việc chuyên nghiệp hóa ngành sản xuất chuối tươi của Việt Nam. Đây cũng sẽ là một căn cứ pháp lý quan trọng giúp cho người sản xuất yên tâm hướng đến đầu tư phát triển dài hơi, quy mô hơn.
Nghị định thư là sự tích hợp các quy định được bổ sung trong suốt hơn 10 năm qua vào một văn bản thống nhất. Điều này sẽ giúp nhà vườn, doanh nghiệp nắm bắt các tiêu chuẩn, quy định một cách rõ ràng, minh bạch.
Có hiệu lực trong 5 năm, Nghị định thư gồm 8 điều; quy định về điều khoản chung, đăng ký, quản lý vùng trồng, đóng gói và chế biến, kiểm tra kiểm dịch trước khi xuất khẩu, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, đánh giá bổ sung và hiệu lực của nghị định thư.
Theo nghị định thư, chuối tươi được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc là chuối chưa chín được thu hoạch trong vòng từ 10-16 tuần sau khi ra hoa. Chuối của các vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa được phê duyệt, hoặc chuối chín thì lô hàng đó sẽ bị từ chối nhập khẩu.
Trái chuối tươi được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc là chuối chưa chín được thu hoạch trong vòng từ 10-16 tuần sau khi ra hoa. Ảnh: TÚ LY.
Chuối tươi phải tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật quy định trong Nghị định thư và không nhiễm bất kỳ đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm. Khi quả chuối tươi tới cửa khẩu Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch.
"Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất đưa ra 5 loại dịch hại đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm thay vì quan tâm đến một danh mục rất dài gần 400 loại sinh vật gây hại khác nhau. Một quy định cũng rất quan trọng mà chúng ta sẽ phải thay đổi trong thời gian tới là việc quản lý giám sát sinh vật gây hại ngay từ vùng trồng. Cơ sở đóng gói và quy trình sản xuất này phải được sự theo dõi của cơ quan quản lý nhà nước", ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật cho hay.
Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện bất cứ sản phẩm nào không tuân thủ các yêu cầu của nghị định thư thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.
Việc ký Nghị định thư với những quy chuẩn rõ ràng cũng sẽ giúp việc thông quan được nhanh chóng hơn. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam chuẩn hóa ngành hàng chuối trong nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói: “Chúng ta chưa bao giờ đưa chuối thành một ngành hàng mà chỉ nhỏ lẻ. Lần này, chúng ta đáp ứng được chuẩn mực đó, đáp ứng được cơ hội đó khi chúng ta có được thị trường bền vững thì nó sẽ trở thành một ngành hàng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phân công các đơn vị của Bộ vào hỗ trợ nông dân chuỗi ngành hàng chuối để bà con nâng dần chất lượng chuối”.
HIỀN MINH (Theo Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam và Vietnam+)
Đến nay, trong số 11 loại trái của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì mới có 4 loại được ký kết Nghị định thư là măng cụt, sầu riêng, chanh leo và chuối. Hiện nay, hai bên đang đàm phán để ký kết xuất khẩu khoai lang và trái bưởi tươi sang Trung Quốc.
(KGO) - Ngày 27-11, nhiều lượt câu hỏi của nông dân huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) liên quan đến canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng và trị bệnh trên gia súc, gia cầm, cây ăn trái… đã được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp cụ thể tại chương trình “Bác sĩ nông học”.
Tổng số lượt truy cập: