07/04/2023 10:57
Thiếu hụt nguyên liệu cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Ảnh: ĐỨC BÌNH
HẦU HẾT SỐ LIỆU ĐỀU GIẢM
Theo đánh giá của UBND tỉnh Kiên Giang, những tháng đầu năm 2023 hoạt động xuất khẩu của tỉnh tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan như nhiều nước bất ổn chính trị, lạm phát tăng cao, cắt giảm chi tiêu… làm cho sức mua của các thị trường chủ lực giảm. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh cũng từ đó sụt giảm. Trong số 144,8 triệu USD kim ngạch xuất khẩu thì xuất khẩu gạo đạt hơn 54% (tăng 8,7% so cùng kỳ năm 2022), còn lại hầu hết các mặt hàng xuất khẩu khác đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, rau, quả giảm hơn 65,6%, giày da giảm 4,32%, thủy hải sản giảm gần 3%, các mặt hàng khác cộng chung giảm đến hơn 86%.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Minh cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có 36 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, giảm 7 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã xuất khẩu qua 37 thị trường, giảm 7 thị trường. Trong đó, thị trường châu Á chiếm hơn 85,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; thị trường châu Phi và châu Âu chiếm khoảng 14% kim ngạch; thị trường châu Mỹ, châu Úc chiếm chỉ hơn 2% kim ngạch.
Đối với mặt hàng gạo, các doanh nghiệp Kiên Giang xuất khẩu qua 7 thị trường; các thị trường chiếm kim ngạch lớn là Trung Quốc, Indonesia, Ghana. Thủy, hải sản Kiên Giang xuất khẩu qua 32 thị trường, trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là các thị trường chiếm kim ngạch lớn. Giày da xuất khẩu chủ yếu qua 3 thị trường là Hong Kong, Mỹ và EU.
Công nhân Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất, nhập khẩu Kiên Cường sơ chế mực. Ảnh: THANH NHÃ
Hoạt động xuất khẩu chính ngạch qua hai cửa khẩu Hà Tiên và Giang Thành cũng giảm mạnh so cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu thủy sản, nông sản, hàng tạp hóa giảm gần 51%, đạt 8,55 triệu USD. Xuất khẩu tiểu ngạch giảm khoảng 1,74% so cùng kỳ, chỉ hơn 7,3 tỷ đồng gồm các mặt hàng thủy sản, rau, củ, hàng tạp hóa.
Xuất khẩu gặp khó là do thị trường gạo đối mặt với tình trạng giá cước vận tải biển và giá cả đầu vào của sản xuất lúa gạo tăng. Mặt khác, nguồn hải sản đánh bắt ngày một khan hiếm, giá nguyên liệu biến động; tình trạng thiếu hụt nguyên liệu tiếp tục diễn ra, dẫn tới không đảm bảo đơn hàng, mất khách hàng.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở khu cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành cho biết hiện các rào cản kỹ thuật ở các thị trường nhập khẩu ngày càng khó khăn, nhất là việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản. Gần đây thị trường Nhật Bản yêu cầu có giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản (CC), tuy nhiên việc cấp CC rất hạn chế, điều này gây trở ngại lớn cho doanh nghiệp trong hoạt động chế biến, xuất khẩu.
CHUNG LƯNG VƯỢT KHÓ
Trong quý I-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Kiên Giang đạt 6,25%, mức khá cao so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Tuy nhiên, nghị quyết năm 2023 đề ra tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh là 6,5%. Hơn nữa, kim ngạnh xuất khẩu là một trong 6 lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh (được đánh giá) chưa đạt kế hoạch. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5% vào cuối năm, các lĩnh vực phải về đích đúng như kế hoạch. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Kiên Giang năm 2023 phải đạt 860 triệu USD, nghĩa là 9 tháng còn lại của năm 2023 Kiên Giang phải xuất khẩu đạt hơn 715,1 triệu USD.
Để hoàn thành kế hoạch xuất khẩu cả năm, Kiên Giang sẽ đẩy mạnh kết nối xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP; mặt hàng nông, thủy sản trong nước và ngoài nước nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực. Tỉnh triển khai tuyên truyền sâu rộng nội dung các hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả chính sách ưu đãi thuế quan từ các FTA như EVFTA, CPTPP, UKVFTA và RCEP… nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
Gạo là mặt hàng duy nhất xuất khẩu tăng trong 3 tháng đầu năm 2023 - đạt hơn 54%, tăng 8,7% so cùng kỳ năm 2022. Ảnh: ĐỨC BÌNH
Theo đồng chí Nguyễn Văn Minh, ngành công thương sẽ thường xuyên cập nhật và cung cấp kịp thời các thông tin về biến động và xu hướng thị trường xuất khẩu, kèm theo đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có kế hoạch chủ động thích ứng với diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục bám sát thị trường và chủ động các phương án linh hoạt với cả thị trường ngách và thị trường truyền thống, phát triển thương hiệu của sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Xuất khẩu gặp khó đang là tình hình chung của cả nước, vì vậy, Bộ Công thương đang theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, xây dựng các khuôn khổ hợp tác, các giải pháp để phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, bộ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, trong hoạt động xuất khẩu phải tiếp tục đa dạng hóa thị trường và mặt hàng; chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài và đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Trong xuất khẩu phải gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao và tỷ lệ nội địa hóa lớn.
ĐỨC BÌNH
(KGO) - Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Kiên Giang 9 tháng năm 2024 ước hơn 9.768 tỷ đồng, đạt 57,78% dự toán, giảm 6,74% so cùng kỳ. Trong đó có một số khoản thu đạt cao là: Thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu phí và lệ phí, thu xổ số kiến thiết, thu từ xuất nhập khẩu...
Tổng số lượt truy cập: