09/01/2024 14:16
Dự báo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của nhân dân trên địa bàn tỉnh tập trung vào những ngày cận tết. Dự kiến tổng lượng hàng hóa tiêu dùng trong tháng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 khoảng 54.585 tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2.631,70 tỷ đồng, tăng 9,53% (tăng 228,94 tỷ đồng) so với cùng kỳ 2022.
Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, Sở Công thương tỉnh Kiên Giang đã đề nghị các doanh nghiệp chủ lực trong tỉnh xây dựng kế hoạch dự trữ vật tư, nguyên liệu sản xuất; thực hiện dự trữ hàng hóa để kịp thời cung ứng ra thị trường khi xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá tạo điều kiện cho các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.
Người dân mua sắm tại Co.opmart Kiên Giang.
Co.opmart Kiên Giang đã chuẩn bị 1.500 tấn hàng hóa các loại, trị giá hơn 80 tỷ đồng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Phó Giám đốc Co.opmart Kiên Giang Nguyễn Thị Quốc Thuận cho biết hàng hóa chuẩn bị vào cao điểm tết đã có dự kiến từ đầu tháng 12-2023 để có giá tốt.
“Đối với những mặt hàng thiết yếu, siêu thị đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu khách hàng với giá bình ổn. Lượng hàng tăng từ 20 - 30% so với ngày thường, chủ yếu phục vụ bán hàng bình ổn, lưu động và lượng khách hàng từ các huyện”, Phó Giám đốc Co.opmart Kiên Giang Nguyễn Thị Quốc Thuận nói thêm.
Chị Đào Thúy An, ngụ xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành (Kiên Giang) cho biết dù chưa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn nhưng Co.opmart Kiên Giang đã bày bán hàng hóa rất nhiều. “Hiện người dân chưa mạnh tay chi tiêu do chưa đến tết. Tuy nhiên, hàng hóa ở đây rất phong phú, dồi dào, giá bán được niêm yết rõ ràng giúp người dân dễ lựa chọn”, chị Thúy An chia sẻ.
Nhân viên cửa hàng bán lẻ của Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang (KTC) trưng bày sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Tại cửa hàng bán lẻ của Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang, số 95 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá (Kiên Giang), các mặt hàng gạo, cá hộp, bia… được công ty trưng bày nhiều, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong khu vực. Gạo được đóng gói 5kg, 10kg, 20kg… Người dân có thể mua trực tiếp tại cửa hàng hoặc liên hệ nhân viên giao hàng tận nhà.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang Nguyễn Duy An cho biết công ty đã chủ động sản xuất, dự trữ các mặt hàng thiết yếu nhằm đáp ứng tốt nhu cầu những ngày tết của người dân. “Tổng lượng hàng dự trữ của công ty phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn là 90 tấn, giá trị ước tính 3,75 tỷ đồng. Đối với mặt hàng gạo, công ty đã chuẩn bị 30 tấn, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ 2023. Mặt hàng cá đóng hộp khoảng 60 tấn (tương đương 300.000 lon)”, ông Nguyễn Duy An nói.
Đối với các thương nhân đầu mối, phân phối xăng, dầu có hệ thống phân phối trong tỉnh chủ động xây dựng các phương án tăng nguồn cung và dự trữ lưu thông hàng hóa; thực hiện tốt các quy định về kinh doanh xăng, dầu đảm bảo nguồn xăng, dầu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm 2023 và trước, trong, sau tết Nguyên đán; tăng cường kiểm soát chất lượng, đo lường trong kinh doanh…
Bài và ảnh: THANH NHÃ
(KGO) - Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Kiên Giang 9 tháng năm 2024 ước hơn 9.768 tỷ đồng, đạt 57,78% dự toán, giảm 6,74% so cùng kỳ. Trong đó có một số khoản thu đạt cao là: Thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu phí và lệ phí, thu xổ số kiến thiết, thu từ xuất nhập khẩu...
Tổng số lượt truy cập: