20/05/2021 14:49
RA QUÂN LÀ ĐÁNH THẮNG
Để đáp ứng yêu cầu tác chiến của lực lượng vũ trang tỉnh và nguyện vọng của nhân dân vùng U Minh Thượng, đầu năm 1972, Tỉnh ủy quyết định thành lập tiểu đoàn thứ hai lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 519. Thực hiện chủ trương đó, ngày 19-5-1972, tại vườn nhà ông Nguyễn Văn Thiệu thuộc xã Đông Yên (An Biên), Tiểu đoàn 519 tổ chức làm lễ công bố quyết định thành lập và xuất quân. Đồng chí Nguyễn Văn Bớt (Tư Thắng) - nguyên Tỉnh đội phó trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng lực lượng, lựa chọn cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng du kích thuộc các huyện An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng và Châu Thành để biên chế cho đơn vị.
Chúng tôi gặp Thiếu tướng Ngô Văn Dương (Tám Thắng) - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, là Chính trị viên đầu tiên của Tiểu đoàn 519 vào ngày cả nước hướng về sinh nhật Bác Hồ, cũng là dịp kỷ niệm 49 năm ngày thành lập Tiểu đoàn 519. Đồng chí Tám Thắng kể: “Đơn vị vinh dự mang tên là ngày sinh nhật Bác Hồ có ý nghĩa rất to lớn, cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ luôn khắc ghi lời dạy của Bác mà ra sức đánh giặc cứu nước”.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 519 tự nguyện góp tiền vào thùng học tập và làm theo Bác để tiếp sức học sinh nghèo đến trường.
Sau khi được thành lập, đơn vị bắt tay vào ổn định tổ chức, biên chế, tập trung huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật, bổ sung vũ khí trang bị. Ngày 14-6-1972, Tiểu đoàn 519 ra quân đánh thắng trận đầu, phục kích diệt gọn 1 trung đội dân vệ ác ôn ngụy do tên Vững làm trung đội trưởng ở đồn Cây Thị, xã Bình An, huyện Châu Thành B nay là huyện Châu Thành, thu toàn bộ vũ khí trang bị. Sau trận này, Đại đội 1 của Tiểu đoàn 519 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG
Từ tháng 6 đến tháng 12-1972, Tiểu đoàn 519 làm nòng cốt để nhân dân vùng U Minh Thượng nổi dậy chống lại ách kiềm kẹp của địch, bảo vệ và mở rộng căn cứ khu ủy và vùng giải phóng của ta. Sau khi đã giải phóng cơ bản bờ Nam sông Cái Lớn, Tiểu đoàn 519 và Đoàn 6 pháo binh Quân khu 9 sang bờ Bắc sông Cái Lớn kết hợp với quân dân địa phương chủ động diệt đồn Thới An, bứt rút thêm 5 đồn giặc, mở ra vùng giải phóng quan trọng.
Thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy, tiến tới kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tiểu đoàn 519 phối hợp Đại đội địa phương quân huyện Châu Thành B chia thành 3 mũi tiến công đánh chiếm chi khu Kiên Thành. 17 giờ ngày 30-4-1975, ta đánh chiếm chi khu Kiên Thành, góp phần quan trọng giải phóng TX. Rạch Giá hoàn toàn vào đêm 30-4-1975. Sau 30-4-1975 do yêu cầu củng cố lực lượng phù hợp tình hình, nhiệm vụ mới, Tiểu đoàn 519 giải thể, lực lượng của Tiểu đoàn được sát nhập vào các đơn vị của tỉnh. Giữa năm 1977, Tiểu đoàn 519 được tái thành lập làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và tham gia nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia đến năm 1989. Sau đó đơn vị tiếp tục giải thể.
Ngày 1-10-2012, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh công bố quyết định tái thành lập Tiểu đoàn 519 thuộc Trung đoàn 893. Tiểu đoàn 519 có khối trực thuộc đóng quân trên địa bàn xã Thuận Yên (TP. Hà Tiên); có khối đại đội trực thuộc gồm Đại đội 6 đóng quân ở xã Tân Khánh Hòa (Giang Thành), Đại đội 5 đóng quân phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên) và Đại đội Bộ binh hỗn hợp 7 đóng quân trên địa bàn xã Tiên Hải (TP. Hà Tiên).
Từ khi tái thành lập đến nay, Tiểu đoàn 519 hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Đại úy Trần Anh Tuấn - Chính trị viên phó Tiểu đoàn 519 cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giữ vững ổn định và sự bình yên trên tuyến biên giới”.
Bài và ảnh: HOÀNG THU
(KGO) - Học Bác từ những điều đơn giản, bình dị trong đời sống, những người trẻ trong đội vá xe miễn phí xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đã chung tay, góp sức, hỗ trợ, giúp đỡ hàng trăm trường hợp người dân lỡ đường khi tham gia giao thông trên tinh thần tự nguyện.
Tổng số lượt truy cập: