07/08/2024 10:14
- Phóng viên: Đồng chí đánh giá khái quát về tình hình phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Đồng chí Trần Nguyễn Bá: Nhìn chung công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em đã có sự chỉ đạo quyết liệt và được triển khai rộng khắp từ Trung ương đến các địa phương. Riêng tại Kiên Giang thời gian qua tình hình phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn được các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong tỉnh quan tâm thực hiện đồng bộ, tích cực. Mặc dù tình trạng đuối nước ở trẻ em trong 6 tháng đầu năm 2024 có dấu hiệu giảm so năm 2023 nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ em với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhất là cao điểm tình trạng đuối nước rơi vào dịp hè.
Đối với nguyên nhân khách quan: Môi trường sống xung quanh trẻ em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn đuối nước. Tỉnh ta có hệ thống ao, hồ, sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt; một số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, đi làm ăn xa để trẻ em ở nhà với ông bà chăm sóc dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước.
Trẻ em thường hiếu động, ham vui, thích rủ nhau đi tắm sông, ao, hồ…, trong khi các em lại không biết bơi, thể lực còn yếu, không có kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.
Trẻ em ở những địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa ít có cơ hội tiếp cận với khu vui chơi, giải trí, sân chơi an toàn, nhất là thiếu các dịch vụ, bể bơi công cộng…
Đối với nguyên nhân chủ quan: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng, trường học, gia đình và xã hội đôi lúc hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt chỉ đạo công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em trên địa bàn quản lý.
Do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của cha mẹ để trẻ em tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như ao, hồ, sông. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn dùng vật liệu chứa nước như lu, kiệu, dụng cụ chứa nước cỡ lớn không có nắp đậy dễ dẫn đến tình trạng tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là cho trẻ tham gia các lớp phổ cập bơi và dạy các kỹ năng cơ bản để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong môi trường nước.
- Phóng viên: Trước tình hình trên đồng chí có thể chia sẻ nội dung trọng tâm các đề án, kế hoạch của tỉnh được triển khai về phòng, chống đuối nước cho trẻ em?
- Đồng chí Trần Nguyễn Bá: Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện tốt công tác này như kế hoạch của UBND tỉnh về phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030; kế hoạch của UBND tỉnh truyền thông về chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2021-2030; ngành giáo dục và đào tạo tỉnh có kế hoạch triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2025…
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang tổ chức các lớp tập huấn bơi cho cán bộ, giáo viên, cộng tác viên về chương trình kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em và chuẩn bị tổ chức thêm 1 lớp phổ cập bơi miễn phí cho trẻ em. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang hỗ trợ xây dựng 10 mô hình ngôi nhà an toàn tại các xã, phường, thị trấn, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tổ chức 12 lớp dạy bơi miễn phí và 13 lớp trang bị kỹ năng sống cho trẻ em.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước và phương pháp dạy bơi, cứu đuối an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán để về dạy lại cho học sinh hàng năm tại các trường. Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Đoàn trong tỉnh tổ chức 129 lớp dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho 14.445 thiếu nhi; trong đó, Tỉnh đoàn tổ chức 1 lớp dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho 245 em; Nhà Thiếu nhi Kiên Giang mở 24 lớp dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho 520 thiếu nhi; Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu niên tỉnh tổ chức 6 lớp dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho 300 thiếu nhi.
UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu 100% các huyện, thành phố triển khai chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Phấn đấu đến năm 2025 có 60% trẻ từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đến năm 2030 đạt 70%; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.
Đảm bảo 100% các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn, vui chơi, giải trí dưới nước có huấn luyện viên, hướng dẫn viên dạy bơi, nhân viên cứu hộ đuối nước được tập huấn kiến thức nghiệp vụ, chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị chuyên môn, vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật. 90% hộ gia đình được tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030 so với năm 2020.
- Phóng viên: Tỉnh ta đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng như thế nào để phục vụ công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em?
- Đồng chí Trần Nguyễn Bá: Tỉnh ta hiện có trên 500 hồ bơi các loại bao gồm hồ bơi cố định và hồ bơi di động lớn, nhỏ, tập trung đa phần ở các thành phố như Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên… Phần lớn các hồ bơi này là của các doanh nghiệp, tư nhân, riêng hồ bơi của Nhà nước đầu tư vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự quan tâm của chính quyền các cấp thời gian tới sẽ bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện các hoạt động phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, địa phương sẽ đầu tư ngân sách cho công tác xây dựng hồ bơi tại các cơ sở hoạt động thể dục, thể thao của Nhà nước, các trường học trong tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh vận động xã hội hóa trong công tác kêu gọi đầu tư xây dựng các hồ bơi nhằm phục vụ tốt nhất công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em và phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Tỉnh ta cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cải thiện hệ thống biển báo tại các khu vực nguy hiểm như bãi tắm, sông, hồ, kênh, mương, ao, giếng, hố sâu, khu vực nước sâu, công trình chứa nước, khu vực các công trình xây dựng có hố nước, hố sâu; nhất là các ao do hộ gia đình quản lý… Bên cạnh đó xây dựng lan can, làm rào chắn, biển cảnh báo, cảnh giới, nhắc nhở để giảm thiểu tình trạng nguy cơ đuối nước ở trẻ em ở mức thấp nhất.
- Phóng viên: Phụ huynh cần lưu ý điều gì trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em, thưa đồng chí?
- Đồng chí Trần Nguyễn Bá: Đối với các bậc phụ huynh, thành viên mỗi gia đình cần đề cao trách nhiệm trong việc trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ và kỹ năng phòng, chống đuối nước, chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng trong môi trường nước. Đặt biển báo tại các ao, hồ, hố sâu nguy hiểm xung quanh nhà, đậy kín các dụng cụ đựng nước như lu, kiệu, xô, chậu… có nguy cơ gây ra tai nạn đuối nước cho trẻ em. Nếu chúng ta làm tốt các vấn đề này tôi nghĩ rằng tình trạng đuối nước ở trẻ em của tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung sẽ giảm thiểu rất nhiều trong thời gian tới.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
TÂY HỒ thực hiện
(KGO) - Những năm qua, công tác giảm nghèo và xóa nhà tạm, nhà dột nát được tỉnh Kiên Giang quan tâm, triển khai đồng bộ, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhờ sự chung tay, góp sức của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang và các địa phương, phong trào này đã giúp cải thiện đời sống người dân, giảm nghèo, đồng thời góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới.
Tổng số lượt truy cập: