05/11/2024 10:17
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang Trần Nguyễn Bá.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang Trần Nguyễn Bá cho biết ngày hội lần thứ XVI được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, dự kiến thu hút khoảng 200.000 - 250.000 lượt người trong và ngoài tỉnh đến tham dự.
Ngày hội gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ gồm lễ khai mạc diễn ra vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 15-11 tại khán đài bờ sông Cái Lớn, thị trấn Gò Quao. Ngay sau lễ khai mạc là phần thi đấu giải đua ghe ngo. Chương trình khai mạc ngày hội và thi đấu giải đua ghe ngo được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang. Tối cùng ngày 15-10 diễn ra lễ cúng trăng. Đây là nghi lễ truyền thống của đồng bào Khmer để cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc...
Phần hội tổ chức từ ngày 8 đến 16-11, với nhiều hoạt động như biểu diễn văn nghệ, liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang, thi làm giàn thủy lục đẹp; trưng bày hình ảnh, hiện vật đồng bào Khmer; triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách; hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương, các giải thể thao bóng đá, kéo co, đẩy gậy; giải đua ghe ngo nam, nam nữ phối hợp...
- Phóng viên: Giải đua ghe ngo luôn là nội dung thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân đến xem và cổ vũ, vậy quá trình chuẩn bị cho giải đua năm nay như thế nào?
- Ông Trần Nguyễn Bá: Để chuẩn bị chu đáo cho giải đua ghe ngo nói riêng của năm nay và những năm tiếp theo, UBND huyện Gò Quao đã đầu tư mới hệ thống bờ kè khang trang với chiều dài gần 350m và chiều rộng khoảng 15m nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho khán giả đến xem và cổ vũ cho giải đua ghe ngo nói riêng và các hoạt động khác tại ngày hội.
Riêng Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng và ban hành điều lệ giải, tạo điều kiện cho các đội ghe có sự chuẩn bị tham gia giải đạt kết quả tốt nhất. Bộ phận chuyên môn của sở tiến hành kiểm tra, khảo sát đường đua để có sự chuẩn bị tốt nhất cho công tác tổ chức giải đua ghe ngo năm nay.
Giải đua ghe ngo nam, nam nữ phối hợp tỉnh Kiên Giang trong khuôn khổ ngày hội năm nay diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-11 tại sông Cái Lớn, thị trấn Gò Quao. Các vận động viên tranh tài 3 cự ly thi đấu, trong đó có 2 cự ly 800m và 1.200m dành cho nam và cự ly thi đấu 800m nội dung nam - nữ phối hợp. Dự kiến số lượng các ghe ngo tham dự tại giải năm nay khoảng 25 - 30 ghe ngo đến từ các chùa Phật giáo Nam tông Khmer thuộc các huyện, thành phố trong tỉnh.
Các đội đua ghe ngo tại ngày hội.
Đội ghe ngo các chùa đang có sự chuẩn bị tốt nhất để đến với giải đua ghe ngo ngày hội năm nay. Đa số đều tập trung sửa chữa hoặc đóng mới ghe ngo, tích cực tuyển chọn vận động viên và luyện tập tham gia giải đạt kết quả tốt nhất. Một số địa phương đã tổ chức giải nhằm tạo điều kiện cho các vận động viên được giao lưu, thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn. Đây được coi như bước tổng dợt, chuẩn bị lực lượng của các đội, sẵn sàng tham dự giải đua ghe ngo tại ngày hội lần này.
Với niềm đam mê và tinh thần hăng say tập luyện, tôi tin các đội sẽ mang đến giải đấu những cuộc đua tranh tưng bừng, quyết liệt và thú vị, phục vụ đông đảo nhân dân và du khách đến với ngày hội lần thứ XVI.
- Phóng viên: Các hoạt động khác của ngày hội năm nay được tổ chức như thế nào và có điểm nhấn gì đáng lưu ý?
- Ông Trần Nguyễn Bá: Bên cạnh giải đua ghe ngo truyền thống là chuỗi hoạt động ấn tượng như trưng bày hình ảnh, hiện vật đồng bào Khmer, tổ chức từ ngày 13 đến 16-11 tại phía trước UBND huyện Gò Quao, với các hoạt động triển lãm hình ảnh, hiện vật giới thiệu về đời sống sinh hoạt và trình diễn các loại hình nghệ thuật dân ca của đồng bào Khmer. Cùng địa điểm và thời gian này là hoạt động triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách và xe ô tô thư viện lưu động phục vụ độc giả.
Tại khu vực quảng trường huyện Gò Quao, từ ngày 11 đến 20-11, ban tổ chức tổ chức hội chợ thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng tiêu dùng; trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP của huyện Gò Quao và các đơn vị khác trong tỉnh.
Ngoài ra, ngày hội còn có các hoạt động thi làm giàn thủy lục đẹp diễn ra từ ngày 15-11 tại khu vực bờ sông Cái Lớn; biểu diễn văn nghệ và liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang năm 2024 tổ chức tại Trung tâm Thương mại huyện Gò Quao từ ngày 13 đến 14-11. Biểu diễn văn nghệ từ ngày 15 đến 16-11 tại sân khấu khán đài bờ sông Cái Lớn. Từ ngày 8 đến 14-11 sẽ diễn ra các giải thể thao của huyện Gò Quao như giải bóng đá nam Khmer 11 người; giải kéo co Khmer, giải đẩy gậy Khmer huyện Gò Quao...
- Phóng viên: Cùng thời gian diễn ra ngày hội, tại xã Lại Sơn (Kiên Hải) diễn ra lễ hội Nghinh Ông. Ông cho biết quy mô tổ chức lễ hội Nghinh Ông năm nay như thế nào?
- Ông Trần Nguyễn Bá: Với chủ đề “Huyện đảo Kiên Hải - Tiềm năng vẫy gọi”, lễ hội Nghinh Ông xã Lại Sơn năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-11. Lễ hội Nghinh Ông cũng gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ với các nghi lễ cổ truyền như lễ thỉnh sắc thần hoàng và bà Cố Chủ, lễ an vị và lễ cầu an được tổ chức theo nghi thức truyền thống hàng năm tại di tích lịch sử văn hóa lăng Ông Nam Hải, ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn. Chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang lúc 19 giờ ngày 15-11. Lễ dâng hương, lễ nghinh thần Nam Hải tổ chức vào sáng ngày 16-11.
Các hoạt động phần hội được tổ chức trước, trong và sau lễ hội như trưng bày hình ảnh, tư liệu về biển, đảo, lễ hội Nghinh Ông và các danh thắng huyện đảo Kiên Hải; trưng bày sách; không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá du lịch và sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh; hội chợ thương mại quy mô dự kiến 40 gian hàng; gian hàng ẩm thực; giải việt dã quanh đảo Lại Sơn, giải bóng đá 5 người huyện Kiên Hải mở rộng, giải cầu lông huyện và các trò chơi dân gian...
- Phóng viên: Cảm ơn ông!
TÂY HỒ thực hiện
(KGO) - Việc triển khai đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật từ việc xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến đến áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và phục vụ người dân.
Tổng số lượt truy cập: