28/07/2023 15:34
Tham gia trả lời về các vấn đề này có các bác sĩ: Nguyễn Trúc Giang - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, Chung Tấn Thịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế và Danh Tý - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang.
- Phóng viên: Bác sĩ cho biết xung quanh tình hình thuốc, vật tư y tế trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện nay?
- Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trúc Giang: Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang có nhiều nỗ lực để thực hiện tốt công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế.
Sở Y tế tỉnh Kiên Giang chủ động điều tiết thuốc giữa các đơn vị; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ động dự trữ thuốc, vật tư y tế, lựa chọn các hình thức mua sắm phù hợp trong thời gian chờ kết quả đấu thầu cung cấp thuốc tập trung cấp Trung ương, cấp địa phương.
Đến nay, các cơ sở y tế cơ bản đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế, kịp thời đáp ứng cho nhu cầu điều trị. Tuy nhiên, có xảy ra tình trạng thiếu cục bộ một số thuốc, vật tư y tế tại một số đơn vị khám, chữa bệnh, nhất là ở Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang do nhu cầu sử dụng lớn và ở các bệnh viện chuyên khoa.
Các nguyên nhân chính dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế là việc tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung cấp Trung ương, cấp địa phương mất nhiều thời gian để có kết quả thầu. Việc xây dựng nhu cầu hoặc dự báo tình hình mua sắm chưa phù hợp; chưa chủ động dự trữ thuốc, lựa chọn các hình thức mua sắm phù hợp trong thời gian chờ kết quả kết quả đấu thầu cung cấp thuốc tập trung cấp Trung ương, cấp địa phương của một số cơ sở y tế dẫn đến hết một số thuốc, vật tư y tế trước thời hạn.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khách quan do hạn chế về nguồn cung dẫn đến việc bị gián đoạn và chậm trễ trong việc cung ứng thuốc, vật tư y tế cho các cơ sở y tế.
- Phóng viên: Ngành y tế Kiên Giang có giải pháp gì khắc phục tình trạng thiếu cục bộ một số thuốc, vật tư y tế thưa đồng chí?
- Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trúc Giang: Về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện mua thuốc theo kết quả đấu thầu mua thuốc tập trung của địa phương giai đoạn 2021-2023 đảm bảo hiệu quả.
Sở Y tế tỉnh Kiên Giang theo dõi sát tình hình sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế để chủ động điều tiết thuốc giữa các cơ sở. Kịp thời chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động dự trữ thuốc, lựa chọn các hình thức mua sắm phù hợp trong thời gian chờ kết quả kết quả đấu thầu cung cấp thuốc, vật tư y tế tập trung cấp quốc gia và cấp địa phương.
- Phóng viên: Bác sĩ cho biết tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện nay như thế nào?
- Bác sĩ chuyên khoa II Chung Tấn Thịnh: Các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành trên địa bàn tỉnh như dịch COVID-19; sốt xuất huyết Dengue; tay chân miệng; các bệnh khác như Marburg, đậu mùa khỉ, dại, thương hàn, viêm gan B, thủy đậu, cúm… Trong đó, dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt, đầu năm đến nay ghi nhận 1.375 ca mắc COVID-19.
Về bệnh sốt xuất huyết Dengue, từ đầu năm đến nay, Kiên Giang đứng thứ 10/20 tỉnh ở khu vực phía Nam và thứ 7/13 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về số ca mắc. Lũy kế toàn tỉnh đến nay có 1.238 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, giảm 27,1% so cùng kỳ năm 2022. Năm nay, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue nhẹ và có dấu hiệu cảnh báo 1.176, ca nặng ghi nhận 62 ca, tỷ lệ ca nặng/ca mắc là 5% và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Như vậy, dịch sốt xuất huyết Dengue cơ bản được kiểm soát.
Đối với bệnh tay chân miệng, số ca mắc đầu năm đến nay ghi nhận 919 ca, tăng 47,5% so cùng kỳ năm 2022 . Ca mắc chủ yếu ở TP. Phú Quốc 231 ca, TP. Rạch Giá 169 ca, huyện Châu Thành 131 ca, huyện Giồng Riềng 57 ca, TP. Hà Tiên 47 ca. Ghi nhận 3 trường hợp tử vong ở TP. Rạch Giá 2 ca, huyện Châu Thành 1 ca.
Các bệnh truyền nhiễm khác lưu hành tại địa phương như bệnh dại, thương hàn, viêm gan B, C giảm so cùng kỳ năm 2022 và chưa ghi nhận nguy hiểm gì trên địa bàn toàn tỉnh.
Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm lưu hành trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cần chú ý đặc biệt phòng, chống bệnh tay chân bệnh.
- Phóng viên: Ngành y tế triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm như thế nào?
- Bác sĩ chuyên khoa II Chung Tấn Thịnh: Tất cả bệnh truyền nhiễm đang lưu hành đều cần quan tâm phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Qua kết quả báo cáo trên, bệnh tay chân miệng hiện tại cần quan tâm phòng, chống đặc biệt vì xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi; diễn biến bệnh phức tạp, khó lường, hiện đang lưu hành chủng virus EV71, dễ dàng lây nhiễm bệnh lẫn nhau trong sinh hoạt thường ngày (nhà giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học); gia đình có trẻ mắc bệnh rất khó tự theo dõi, chăm sóc, phát hiện dấu hiệu bệnh trở nặng.
Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đã ban hành rất nhiều văn bản về tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Sở Y tế tỉnh Kiên Giang phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch tay chân miệng cho đội ngũ giáo viên mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh…
- Phóng viên: Bác sĩ cho biết các dấu hiệu nhận biết của bệnh tay chân miệng?
- Bác sĩ chuyên khoa II Danh Tý: Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, bóng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh do virus đường ruột gây ra, hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Những dấu hiệu nhận biết về bệnh tay chân miệng như trẻ đột ngột sốt cao từ 39 độ trở lên, có trẻ sốt nhẹ hoặc không sốt, sốt cao khó hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng. Trẻ có biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng bóng nước trên nền hồng ban ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối; xảy ra cùng lúc sốt hoặc sau sốt. Một số trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc.
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, theo dõi và phát hiện triệu chứng bệnh nặng để trẻ nhập viện, kịp thời điều trị.
Đưa trẻ đến ngay bệnh viện khi trẻ có một trong các dấu hiệu như sốt 39 độ trở lên hoặc sốt hơn 2 ngày; giật mình hoặc run tay, chân, co giật; yếu tay, chân hoặc đi loạng choạng; nôn ói nhiều hoặc ăn uống kém; thở nhanh hoặc khó thở; da nổi bông; lừ đừ hoặc kích thích; vã mồ hôi; trẻ có dấu hiệu bất thường...
- Phóng viên: Bác sĩ có khuyến cáo gì để người dân phòng tránh tốt bệnh tay chân miệng?
- Bác sĩ chuyên khoa II Danh Tý: Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc, vaccine ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng bệnh là chính.
Loại bỏ tác nhân gây bệnh bằng cách rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi nấu ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt chú ý vệ sinh sau khi tiếp xúc với các bọng nước. Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị ô nhiễm như đồ chơi, bàn, ghế, tay nắm cửa... với nước và xà phòng nếu có thể, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường và rửa lại một lần.
Chú ý che miệng và mũi khi hắt hơi và ho, sau đó vệ sinh tay bằng nước và xà phòng. Xử lý khăn giấy và tã lót đã sử dụng bằng việc thải bỏ rác đúng cách, tránh thải bừa bãi ra môi trường. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sân vườn, nơi vui chơi của trẻ sạch sẽ.
Khi đã mắc bệnh, tạm thời không cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc những nơi đông người từ 7-10 ngày. Tránh tiếp xúc gần như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng với các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng cũng là một cách để phòng bệnh tay chân miệng…
THU OANH thực hiện
(KGO) - Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 79 năm ngày truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang, nhiều hoạt động ý nghĩa đã và đang được triển khai, tiếp tục lan tỏa phẩm chất cao quý của bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Tổng số lượt truy cập: