12/03/2024 09:19
Đồng chí Lê Hữu Toàn |
- Phóng viên: Sau đợt kiểm tra thứ 4 của đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU tại Việt Nam tháng 10-2023 vừa qua, đồng chí cho biết tỉnh Kiên Giang đã thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU như thế nào? Kết quả đạt được ra sao?
- Đồng chí Lê Hữu Toàn: Qua đợt kiểm tra lần thứ 4 vào tháng 10-2023, đoàn thanh tra EC đã chỉ ra 4 hạn chế cần phải khắc phục sớm. Hạn chế lớn nhất là vẫn còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Hạn chế thứ hai là chúng ta thực thi pháp luật chưa đồng bộ và chưa triệt để, vẫn còn tàu mất kết nối và tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Hạn chế thứ ba là việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chưa đảm bảo các yêu cầu. Thứ tư là công tác quản lý đào tạo chưa chặt chẽ, trong đó vẫn còn tàu “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).
Qua đợt kiểm tra, Kiên Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất, tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện, đặc biệt là xác định các công việc cụ thể để khắc phục những hạn chế được chỉ ra. Trong kế hoạch của tỉnh có 2 giai đoạn phải làm. Một là xác định các công việc, nội dung cụ thể để làm đến hết tháng 4-2024 để chuẩn bị tiếp đoàn. Đó là những việc phải khắc phục những hạn chế. Vấn đề thứ hai là về lâu dài, tỉnh phải có kế hoạch thực hiện đến cuối năm và thời gian tiếp theo để đảm bảo được công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Chúng ta đảm bảo tính minh bạch, chặt chẽ và đảm bảo định hướng lâu dài cho phòng, chống IUU cả nước cũng như của tỉnh.
Tỉnh Kiên Giang thực hiện 4 nhóm giải pháp chính: Thứ nhất, chúng ta thực hiện tốt khung chính sách. Hiện nay, chúng ta đã hỗ trợ cho các tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, 50% cước phí theo nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Chúng ta đang triển khai khá tốt, trong năm qua chúng ta đã triển khai hơn 2,6 tỷ đồng để hỗ trợ các tàu, đảm bảo được tín hiệu cũng như là hỗ trợ được cho ngư dân.
Thứ hai, xây dựng ngay các kế hoạch để triển khai hỗ trợ ngư dân trong việc phát triển ngành thủy sản. Tỉnh tập trung thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, tăng cường đẩy mạnh việc hướng dẫn, kiểm tra các bến lên hàng, cảng.... Qua đó đẩy mạnh việc hướng dẫn ngư dân ghi chép sổ sách truy xuất nguồn gốc, kiểm tra các cảng của các cơ quan, để làm sao đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc.
Thứ ba, điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm, đẩy mạnh việc xét xử các trường hợp vi phạm pháp luật. Thứ tư là thực hiện tốt việc quản lý các đội tàu, rà soát, thống kê, kiểm đếm lại, tiến hành các thủ tục đăng ký, đăng kiểm đảm bảo đúng quy định.
Năm 2023, số tàu vi phạm phải kiểm tra là 16 vụ, 22 tàu. So với năm 2022 giảm 2 vụ, 4 tàu; so với năm 2017 là gần 206 vụ, trên 300 tàu. Chúng ta thấy rõ tính quyết liệt qua các năm, nhất là sau lần kiểm tra thứ 4 của EC. Lần thứ 5 tới, chúng ta có kế hoạch, có chương trình, đã có sự chuyển biến rất tích cực, trong đó có chỉ đạo trực tiếp từ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống IUU.
- Phóng viên: Trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã đưa ra xét xử một vụ án có liên quan đến chống khai thác IUU đối với 4 bị cáo về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Kết quả xét xử của tòa án có tác động như thế nào đối với công tác chống khai thác IUU của tỉnh vừa qua?
- Đồng chí Lê Hữu Toàn: Kiên Giang là tỉnh đầu tiên xét xử vụ án liên quan đến chống khai thác IUU. Chúng ta không muốn mong muốn người dân vi phạm, bị xử lý hình sự như thế. Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi chung, đảm bảo được tính thực thi pháp luật cũng, những trường hợp cố ý vi phạm pháp luật chúng ta phải xử lý nghiêm.
Công tác tuyên truyền khá sâu rộng, đưa tin về vụ án xử lý, để bà con mình hiểu rõ việc vi phạm pháp luật trong phòng, chống IUU phải bị xử lý. Bản thân tôi rất mong ngư dân khai thác thủy sản để phát triển kinh tế tỉnh nhà, đóng góp cho tỉnh nhà. Đây là điều rất mong muốn nhưng chúng ta phải thực hiện đúng quy định pháp luật để giữ gìn uy tín của ngành thủy sản Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Ngư phủ lên cá tại cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành).
- Phóng viên: Dự kiến cuối tháng 4 tới đây, đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra về tình hình và kết quả chống khai thác IUU. Vậy tỉnh Kiên Giang có sự chuẩn bị như thế nào để phục vụ cho chuyến công tác tới đây của EC?
- Đồng chí Lê Hữu Toàn: Chúng tôi đã có kế hoạch tham mưu Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh. Trước mắt, tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch chung để triển khai cho các ngành, các cấp cùng vào cuộc; từng ngành, từng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện. Các sở, ngành, địa phương đều có kế hoạch chi tiết chống khai thác IUU để thực hiện kế hoạch đến ngày 30-4 và kế hoạch đến hết năm 2024.
Kế hoạch này được xem như nhiệm vụ thường xuyên trong việc phòng, chống IUU và coi như nhiệm vụ thường xuyên của các ngành, các cấp để thực hiện. Chúng ta cũng đã xây dựng kịch bản chi tiết để đón tiếp đoàn. Trong đợt tới đây, đoàn kiểm tra EC khả năng tới tỉnh ta rất cao. Do đó, chúng ta chuẩn bị kịch bản, nội dung chương trình. Chúng tôi xác định các công việc trọng tâm, trong đó khẩn trương hoàn thiện các công việc cần làm trước ngày 30-4 phải xong.
- Phóng viên: Định hướng chuyển đổi nghề biển để ngành thủy sản của Kiên Giang phát triển bền vững trong giai đoạn tới là gì?
- Đồng chí Lê Hữu Toàn: Chúng tôi xác định gắn liền với công tác phòng, chống IUU là việc chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất của ngành thủy sản. Chúng tôi đẩy mạnh đề án nuôi biển và sắp tới đây chúng ta sẽ có hội thảo về tháo gỡ nuôi biển của Kiên Giang, có sự tham gia của các chuyên gia, cơ quan, ban, bộ, ngành… tìm ra các điểm nghẽn, những khó khăn để tháo gỡ, đảm bảo sinh kế cho ngư dân.
Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đang phối hợp các bộ, ngành Trung ương xây dựng chương trình khuyến ngư, trong đó có khuyến ngư về nuôi biển để ngư dân thấy được các mô hình hiệu quả. Khi chúng ta sắp xếp, cơ cấu lại ngành, nghề thì cũng phải chỉ cho bà con các mô hình hiệu quả để bà con cùng làm để phát triển kinh tế, cùng nhau phòng, chống IUU.
Chúng tôi cũng sẽ tham mưu sắp xếp lại hạn ngạch tàu, đâu là vùng bờ, đâu là vùng khơi, đâu là vùng lộng... Chúng ta sắp xếp đội tàu bao nhiêu để phù hợp với nguồn lợi thủy sản. Sau khi điều tra, sắp xếp lại đảm bảo ngư dân đánh bắt mang hiệu quả cao. Chúng tôi cũng tập trung khung chính sách, đặc biệt là kế hoạch thực hiện Quyết định 208/QĐ-TTg, ngày 10-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái; triển khai rộng khắp trên địa bàn, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để thực hiện tốt, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đây là chiến lược lâu dài của tỉnh.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
TÂY HỒ thực hiện
(KGO) - Lực lượng Công an tỉnh Kiên Giang đang triển khai các biện pháp cao điểm nhằm đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Tổng số lượt truy cập: