21/08/2023 15:13
- Phóng viên: Thực trạng mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh hiện nay có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa đồng chí?
- Đồng chí Huỳnh Văn Hóa: Trong thời gian qua, việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở các địa phương được quan tâm, chú trọng, thể hiện ở các nghị quyết, quyết định, đề án, kế hoạch. Các cấp chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng lưới, quy mô trường lớp.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã chủ động phối hợp và hỗ trợ tích cực cùng ngành giáo dục thực hiện quy hoạch. Nhiều địa phương đã huy động được nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cha mẹ học sinh để đầu tư cơ sở vật chất cho trường và trang thiết bị học tập cho học sinh, đến nay cơ bản đáp ứng việc dạy và học cho từng cấp học.
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, cơ sở vật chất trường, lớp học, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Toàn ngành có 10.034 phòng học; 317 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 52,05% so tổng số trường, có 404 thư viện đạt chuẩn.
Để chuẩn bị cho năm học 2023-2024, toàn ngành đã xây dựng 833 phòng học mới, sửa chữa hơn 808 phòng, trang bị 4.330 bộ máy vi tính, ti vi, thiết bị dạy học và phòng học chức năng. Đấu thầu mua sắm thiết bị phục vụ chương trình mới. Chỉ đạo sửa chữa, bổ sung trang thiết bị phục vụ năm học mới.
Ban Giám hiệu, cán bộ Trường Trung học p[hổ thông An Biên (Kiên Giang) kiểm trang trang thiết bị được đầu tư khang trang tại trường, chuẩn bị đưa vào sử dụng, phục vụ năm học 2023-2024.
- Phóng viên: Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang đã tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên trước thềm năm học mới như thế nào?
- Đồng chí Huỳnh Văn Hóa: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang phối hợp các bộ phận liên quan tổ chức tập huấn các module từ 1 đến 9 bằng hình thức phù hợp, tập huấn sử dụng sách giáo khoa, kiểm tra, đánh giá người học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập huấn dạy học STEM và trên 20 lớp bồi dưỡng ngắn hạn.
Ngoài ra, ngành còn tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2022-2025 như bồi dưỡng thường xuyên để cập nhật nội dung, phương pháp giảng dạy mới, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019... Qua đó trang bị tốt cho cán bộ quản lý, giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ năm học mới.
- Phóng viên: Năm học này, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ có hay không? Nếu có thì ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang sẽ có kế hoạch như thế nào để khắc phục vấn đề này?
- Đồng chí Huỳnh Văn Hóa: Việc huy động học sinh ra lớp ở các cấp học hàng năm trên từng địa bàn huyện, thành phố có sự thay đổi, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên của mỗi năm học vẫn luôn xảy ra.
Hiện tại, ngành đang tổng hợp số lượng thừa, thiếu cục bộ trên từng địa bàn cấp huyện để phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan, tham mưu UBND tỉnh giải pháp khắc phục việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ nêu trên.
Trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang phối hợp UBND các huyện, thành phố trong việc sắp xếp, bố trí đội ngũ viên chức theo đề án vị trí việc làm của từng đơn vị; xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ để bố trí những giáo viên thừa sang dạy những môn học mới còn thiếu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Xem xét giải quyết thuyên chuyển, điều động sang huyện khác; cuối cùng là giải quyết chính sách đầu ra theo quy định. Việc làm này đều được thực hiện hàng năm trước khi tổ chức khai giảng năm học mới.
Người dân có ý kiến thắc mắc yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời có thể gửi câu hỏi về chương trình tại địa chỉ email: danhoichinhquyentraloi@kiengiang.gov.vn hoặc gửi thư về Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang, địa chỉ số 9 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Vĩnh Thanh (TP. Rạch Giá) hoặc Tòa soạn Báo Kiên Giang, số 16 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. |
- Phóng viên: Đối với sách giáo khoa và đồ dùng học tập, ngành có kế hoạch chuẩn bị như thế nào để đảm bảo về giá cũng như nguồn hàng cung cấp cho năm học mới?
- Đồng chí Huỳnh Văn Hóa: Năm học 2023-2024 là năm thứ tư thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học, năm thứ ba đối với cấp trung học cơ sở và năm thứ hai đối với trung học phổ thông.
Do đó, chúng tôi đã có kinh nghiệm trong việc phối hợp với các địa phương, đơn vị trường học trong việc nắm bắt nhu cầu sử dụng sách giáo khoa, đồ dùng học tập, đồng thời phối hợp nhà xuất bản, các công ty thiết bị trường học trong việc cung ứng, đảm bảo không để thiếu sách giáo khoa, đồ dùng học tập phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.
Riêng đối với sách giáo khoa, đồ dùng học tập của các khối lớp còn lại, chúng tôi đã kịp thời thông tin số lượng học sinh để các đơn vị này có kế hoạch cung ứng phù hợp. Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị cung ứng đảm bảo dụng cụ học tập và sách giáo khoa bán đúng giá niêm yết theo quy định.
Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi phối hợp với các nhà xuất bản tặng 2.315 bộ sách giáo khoa và 67 bộ sách giáo viên, 15 tủ sách cho các đơn vị trường học trong tỉnh.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
TÂY HỒ thực hiện
(KGO) - Lực lượng Công an tỉnh Kiên Giang đang triển khai các biện pháp cao điểm nhằm đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Tổng số lượt truy cập: