24/07/2024 09:55
Chuyên mục “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” kỳ này, Đại tá Nguyễn Nhật Trường - Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang sẽ thông tin về vấn đề sử dụng tài khoản VNeID trong thực hiện dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử.
- Phóng viên: Thưa Đại tá, để chuẩn bị cho việc sử dụng thống nhất tài khoản VNeID do Bộ Công an cấp trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1-7-2024, Công an tỉnh đã thực hiện những giải pháp gì, đến nay kết quả thực hiện ra sao trong công tác cấp tài khoản định danh điện tử?
- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Thời gian qua, tổ chức, cá nhân có nhiều tài khoản để thực hiện dịch vụ công như email, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang để thống nhất một tài khoản trong thực hiện dịch vụ công là tài khoản định danh điện tử từ ngày 1-7-2024, các địa phương phải đẩy nhanh công tác làm sạch tài khoản SSO. Kiên Giang đã tiến hành làm sạch, cập nhật đầy đủ thông tin 39.443 tài khoản căn cước công dân.
Song song với việc làm sạch tài khoản tại địa phương, Công an tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chủ động liên hệ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an để hỗ trợ kết nối chính thức hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kiên Giang với hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Với nỗ lực của các đơn vị, ngày 17-5-2024, Kiên Giang đã thử nghiệm kết nối và đến ngày 22-5-2024 đã kích hoạt, kết nối chính thức hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với hệ thống SSO Bộ Công an, đảm bảo cho công dân sử dụng duy nhất một tài khoản VNeID để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hoàn thành trước thời gian 8 ngày so với kế hoạch đề ra. Kiên Giang là tỉnh thứ 11/63 địa phương hoàn thành việc kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với hệ thống định danh và xác thực điện tử.
- Phóng viên: Những tiện ích thiết thực khi sử dụng VNeID từ ngày 1-7-2024 và cần lưu ý điều gì khi sử dụng?
- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Ứng dụng VNeID của Bộ Công an là ứng dụng được tích hợp các tiện ích của thẻ căn cước công dân điện tử, bảo đảm chính xác, tiện lợi và thông tin của công dân được bảo mật. Người dân sau khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 thành công có thể đăng nhập và sử dụng các chức năng, tiện ích trên ứng dụng VNeID khi giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng…). Ứng dụng sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều thủ tục cần giải quyết.
Các tính năng nổi bật của ứng dụng VNeID như ví giấy tờ, thông báo lưu trú, tố giác tội phạm, tin tức trên ứng dụng VNeID…, giúp công dân có thể thay thế căn cước công dân gắn chip và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, các thông tin liên quan tới các thủ đoạn tội phạm đang diễn ra hàng ngày, nắm bắt các thông tư, nghị định, văn bản quy phạm pháp luật mới nhất... Khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo, thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền…
Để sử dụng ứng dụng được thuận lợi, hiệu quả, người dân cần tải ứng VNeID trên điện thoại thông minh. Trong quá trình tải và sử dụng ứng dụng nếu gặp vấn đề khó khăn, người dân có thể liên hệ công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh và xác thực điện tử trên ứng dụng VNeID.
Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân.
- Phóng viên: Tại Kiên Giang, các dịch vụ công và thủ tục hành chính nào đã triển khai sử dụng định danh điện tử VNeID?
- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Hiện nay, ứng dụng VNeID đã cung cấp nhiều tiện ích để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới sẽ có thêm 23 tiện ích khác được cung cấp.
Tài khoản định danh điện tử mức 1 trên VNeID đã tích hợp các thông tin, dịch vụ công sau đây:
(1) Tích hợp thông tin cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
(2) Đăng nhập và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
(3) Thực hiện thông báo lưu trú; tạm trú.
(4) Phản ánh, kiến nghị về an ninh, trật tự, tố giác 17 loại tội phạm.
(5) Nhận thông báo giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công liên thông về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.
(6) Dịch vụ liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng.
(7) Nhận cảnh báo hết hạn thẻ căn cước công dân gắn chip.
(8) Cập nhật các thông tin, tin tức, cảnh báo thủ đoạn tội phạm.
(9) Chia sẻ dữ liệu công dân thông qua việc xuất trình thông tin được tích hợp trực tiếp trên VNeID.
Ngoài các tiện ích trên, chủ tài khoản định danh mức 2 còn có thể sử dụng VNeID để khai báo thông tin cư trú, khai báo thông tin người phụ thuộc nộp thuế, xin cấp phiếu lý lịch tư pháp. Sắp tới, ứng dụng sẽ triển khai thí điểm cấp lý lịch tư pháp trực tuyến thông qua tài khoản định danh điện tử mức 2 trên ứng dụng VNeID. Người dân thay vì phải làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp tại các sở tư pháp thì có thể ngồi ở nhà hay bất cứ đâu, chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối internet đều dễ dàng đăng ký cấp phiếu này.
- Phóng viên: Hiện có tình trạng các đối tượng giả danh cơ quan chức năng gọi điện thoại cho người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử để lừa đảo. Vậy Đại tá có khuyến cáo gì cho người dân về vấn đề này?
- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Hiện tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và rất tinh vi. Thời gian gần đây các đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân, chưa nắm bắt đầy đủ các thông tin liên quan cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử... gọi điện thoại giả danh là cán bộ công an, sau đó gửi link qua tin nhắn hoặc các ứng dụng chat trực tuyến như Zalo, Facebook..., hướng dẫn người dân truy cập link để cài đặt phần mềm VNeID giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật.
Sau khi người dân cài đặt, ứng dụng giả mạo được cấp quyền truy cập mức cao bao gồm đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa OTP..., các đối tượng lừa đảo kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng rồi thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại người bị hại và chiếm đoạt tài sản.
Trước tình trạng trên, lực lượng công an trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để điều tra và xử lý tội phạm. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng để người dân nâng cao cảnh giác. Ngành công an đã phối hợp tuyên truyền hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với tuyên truyền trên Zalo, Facebook và phát tờ rơi tại khu dân cư, nơi công cộng, nhờ đó nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân đã được nâng lên rõ rệt.
Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn của các loại tội phạm; đồng thời nêu cao ý thức tự bảo vệ dữ liệu cá nhân; không đăng, đưa lên mạng xã hội căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử VNeID, số điện thoại cá nhân... để không bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn không chính thống, từ các link lạ; không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân cho người khác qua điện thoại.
Khi gặp các tình huống có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho lực lượng công an để kịp thời điều tra, làm rõ. Trong trường hợp nghi vấn về thông tin định danh điện tử, người dân phải liên hệ công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn hoặc cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn, giải quyết.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
TÂY HỒ thực hiện
(KGO) - Việc triển khai đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật từ việc xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến đến áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và phục vụ người dân.
Tổng số lượt truy cập: