12/02/2024 11:15
CƠ SỞ SẢN XUẤT “THAY ÁO MỚI”
Cơ sở sản xuất của anh Phạm Văn Khoa, xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) như “thay áo mới” với mặt bằng kinh doanh rộng, thoáng, đẹp và hiện có hơn 40 đại lý bán sỉ trên toàn quốc. Bước ngoặt phát triển kinh doanh bắt đầu khi anh Khoa nhận hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công 70 triệu đồng vào năm 2014, anh đầu tư dây chuyền bê tông bọt khí ứng dụng làm xương trụ cho sản phẩm xuồng, ghe, nhờ vậy chất lượng sản phẩm nâng lên.
Tiếng lành đồn xa, sản phẩm của anh Khoa được nhiều người tìm mua. Anh Khoa được hỗ trợ xây dựng website, phòng trưng bày với đầy đủ thiết bị máy tính. Hình ảnh sản phẩm, thương hiệu cơ sở được nâng tầm, tạo niềm tin cho khách hàng. Từ nền tảng đó, anh kết nối các đối tác lớn trong cả nước. Nhóm sản phẩm của anh Khoa 2 lần được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019 và 2023.
Anh Khoa chia sẻ: “Cái hay của chương trình khuyến công không chỉ hỗ trợ vốn mà còn tạo động lực cho cơ sở đầu tư các thiết bị, công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất. Chương trình khuyến công còn là chất xúc tác giữa các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ ở nông thôn với các đối tác trong và ngoài nước”.
Công nhân sơ chế khóm sấy tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát Vũ Đạt, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang).
Tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, anh Quách Vũ Đạt - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát Vũ Đạt, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) làm sản phẩm khóm sấy, xoài sấy. 6 năm trước, anh Đạt khởi nghiệp với 2 máy sấy nhỏ. Hiện nay, anh đã có 3 máy sấy lớn và 6 máy sấy nhỏ.
Anh được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công. Cứ 70 tấn khóm tươi anh Đạt làm ra gần 5 tấn khóm sấy thành phẩm. Ban đầu, anh đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị khu vực phía Nam. Hiện nay, các sản phẩm khóm sấy, xoài sấy của anh đã xuất khẩu sang Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản trung bình khoảng 6 tấn/tháng.
ĐÒN BẨY CHO CƠ SỞ SẢN XUẤT NHỎ
Hộ kinh doanh Kim Liên, xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) từ sản xuất rượu thủ công đã đầu tư máy móc tiên tiến vào sản xuất tủ nấu cơm, nồi nấu rượu, máy lọc rượu, máy lão hóa rượu, máy chiết rót với sự hỗ trợ hơn 87 triệu đồng từ kinh phí khuyến công địa phương.
Theo bà Trần Kim Liên - chủ hộ kinh doanh Kim Liên, từ khi có máy, sản lượng tăng từ 8.000 chai lên 20.000 chai/năm; doanh thu tăng từ 1,44 tỷ đồng lên 3,6 tỷ đồng/năm; lợi nhuận tăng từ 112 triệu đồng lên gần 276 triệu đồng/năm. Bà Liên vừa hoàn thiện cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương vào cuối năm 2023. Năm 2023, rượu nho rừng Kim Liên được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Bà Trần Kim Liên (bìa phải) - chủ hộ kinh doanh Kim Liên giới thiệu sản phẩm rượu nho rừng cho khách tham quan.
Cơ sở rang xay cà phê số 100 Cách Mạng Tháng Tám, phường Tô Châu, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) vừa được hỗ trợ hơn 81 triệu đồng ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất cà phê gồm máy rang cà phê mẻ rang 4kg, 10kg, máy xay cà phê, máy ép bao bì liên tục.
Theo ông Trần Quyết Thắng - chủ hộ kinh doanh cơ sở rang xay cà phê, ứng dụng máy vào sản xuất năng suất tăng từ 10 lên 15 tấn/năm; tăng doanh thu từ 1,3 tỷ đồng lên 2,2 tỷ đồng/năm; lợi nhuận tăng từ 140 triệu đồng lên gần 203 triệu đồng/năm.
Sở Công thương kiểm tra máy rang cà phê tại cơ sở rang xay cà phê ở TP. Hà Tiên.
Năm 2023, Kiên Giang có 6 cơ sở được thụ hưởng từ đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, 11 đề án khuyến công địa phương được hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng chủ yếu chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Trương Văn Cuội cho biết: “Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được các địa phương quan tâm đẩy mạnh. Trung tâm hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng năng lực sản xuất cạnh tranh trên thị trường có hiệu quả. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các đề án khuyến công được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí khuyến công của Trung ương để thực hiện một số đề án khuyến công quốc gia theo quy định; xây dựng các đề án nhóm, đề án trong danh mục, bám sát nhu cầu thực tế của địa phương…”
Bài và ảnh: KIỀU DIỄM
(KGO) - 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Kiên Giang ghi nhận tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp với tổng trị giá đạt 25.519,11 tỷ đồng, tăng 11,95% so cùng kỳ năm 2023.
Tổng số lượt truy cập: