22/12/2021 14:23
Meta Platforms Inc, công ty mẹ của Facebook, cùng với Twitter Inc và Pinterest Inc ngày 21-12 thông báo sẽ không cử đại diện tới tham dự Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) ở Las Vegas (Mỹ) vào tháng 1-2022 tới do lo ngại sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Meta cho biết do những lo ngại về tình hình sức khỏe cộng đồng ngày càng tăng liên quan đến dịch COVID-19 và sự an toàn của nhân viên, công ty sẽ không cử đội ngũ trực tiếp tham dự CES.
Trước đó, Twitter đã lên kế hoạch để một số nhân viên tham gia triển lãm CES, nhưng sau đó công ty đã thông báo hủy kế hoạch và đang tìm kiếm cơ hội tham gia vào một cuộc triển lãm trực tuyến. Phía Pinterset cũng có động thái tương tự, dù cho công ty này đã lên kế hoạch cho một cuộc gặp quy mô nhỏ cho các nhóm bán hàng và đối tác của mình tại CES từ nhiều năm trước.
Một triển lãm điện tử tiêu dùng.
CES từng thu hút được hơn 180.000 người tham dự từ khắp nơi trên thế giới, đến với một loạt sòng bạc và không gian hội nghị tại Las Vegas. Đây được xem là nơi giới thiệu các xu hướng và tiện ích mới trong ngành công nghệ hàng năm.
Hiệp hội Công nghệ Người tiêu dùng, đơn vị điều hành CES, cho biết triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 5-1 đến ngày 8-1-2022. Các biện pháp phòng ngừa sức khỏe sẽ được áp đặt như yêu cầu tiêm phòng, đeo khẩu trang và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Nhiều công ty lớn trong đó có Qualcomm Inc, Sony Electronics và Alphabet Inc, công ty mẹ của Google và đơn vị xe tự hành Waymo cho biết họ có kế hoạch tham dự và chuẩn bị sẵn sàng để giới thiệu các phần cứng mới hay tổ chức các cuộc gặp.
Giám đốc điều hành General Motors Co Mary Barra ngày 21-12 cho biết hãng này dự kiến vẫn giới thiệu mẫu xe bán tải Silverado chạy bằng điện của mình và sẽ thảo luận trực tiếp chiến lược của công ty tại hội nghị vào ngày 5-1-2022.
Các công ty khác cũng đã lên kế hoạch tham dự trực tuyến, trong đó giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip Nvidia Corp dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng qua video.
Nguồn: VietnamPlus
(KGO) - Trong năm nay, Meta đã gỡ bỏ hơn 15.000 liên kết (URL) chứa nội dung lừa đảo tại Việt Nam và hơn 9.000 URL giả mạo WhatsApp, Facebook, Meta, Instagram, Threads và Reality Labs tại Singapore.
Tổng số lượt truy cập: