15/04/2023 17:55
Năm ngoái, trí thông minh nhân tạo (AI) ChatGPT của công ty OpenAI đã trở nên nổi tiếng nhờ khả năng đưa ra câu trả lời một cách chính xác với gần như mọi câu hỏi mà người dùng đưa ra, sử dụng một ngôn ngữ tự nhiên như của con người.
ChatGPT đã lập được những kỳ tích, bao gồm việc tóm tắt các nghiên cứu và trả lời các câu hỏi mang tính logic cao. Nó cũng đã vượt qua các kỳ thi quản trị kinh doanh khá dễ dàng, vốn là thách thức không nhỏ với sinh viên đại học.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, những kỳ tích trên không gian mạng của ChatGPT đang được đánh đổi: Chatbot này tiêu thụ một lượng nước sạch lớn đáng kinh ngạc.
Họ nói rằng dù một số nghiên cứu trước đó đã nhắc tới việc những mô hình AI năng lực cao như ChatGPT có khả năng để lại "dấu chân carbon" lớn (gây tác động lớn tới môi trường), vẫn có ít người chú ý tới hoạt động tiêu thụ nước của các hệ thống này.
Nghiên cứu mới mang tên "Khiến cho AI bớt khát nước hơn" của nhóm các nhà khoa học Đại học Colorado Riverside và Đại học Texas Arlington của Mỹ, chưa qua thẩm định của các chuyên gia trong ngành, được đăng tải trên chuyên trang khoa học arXiv. Nghiên cứu ước tính rằng trung tâm dữ liệu được sử dụng để thực hiện việc giao tiếp giữa ChatGPT với người dùng sẽ tiêu tốn 500ml nước sạch cho mỗi cuộc trò chuyện gồm từ 20 tới 50 câu hỏi.
ChatGPT đang thu hút sự chú ý vì cả các tác động tích cực và tiêu cực mà nó mang tới.
Các nhà khoa học còn tạo ra một bộ khung để ước tính lượng nước sẽ bị tiêu thụ, trong quá trình làm mát các máy chủ đang chạy những hệ thống AI cao cấp như ChatGPT. Chỉ riêng quá trình đào tạo mô hình GPT-3, công ty Microsoft có thể đã tiêu thụ một lượng nước đáng kinh ngạc là 700.000 lít nước sạch. Theo mô hình quy đổi, lượng nước này đủ để phục vụ việc sản xuất 370 chiếc ôtô BMW hoặc 320 chiếc xe điện Tesla. Microsoft đã hợp tác chặt chẽ với OpenAI, công ty đứng đằng sau ChatGPT. Gần đây Microsoft được cho là đã đầu tư tới 10 tỷ USD vào công ty.
Các nhà khoa học lưu ý rằng các mô hình AI năng lực cao khác như LaMDA của Google có thể tiêu thụ một lượng nước “đáng kinh ngạc” lên tới hàng triệu lít.
Hiện nay các trung tâm dữ liệu sử dụng hai loại hệ thống làm mát, gồm làm mát bằng không khí và làm mát bằng nước.
Hệ thống làm mát bằng không khí thường sử dụng quạt để lưu thông không khí xung quanh các máy chủ và thiết bị. Ngược lại, hệ thống làm mát bằng nước sử dụng nước để hấp thụ nhiệt từ thiết bị và vận chuyển nó đến tháp giải nhiệt bên ngoài trung tâm, hoặc tới các máy làm lạnh.
Hệ thống làm mát bằng nước thường tiêu thụ nhiều nước hơn hệ thống làm mát bằng không khí, nhưng chúng hiệu quả hơn về mức tiêu thụ năng lượng và có thể mang lại hiệu suất làm mát tốt hơn.
Lượng nước sử dụng trong các hệ thống làm mát bằng nước có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào thiết kế của hệ thống và khí hậu. Tuy nhiên, người ta không thể sử dụng bất kỳ loại nước nào. Nước phải là loại tinh khiết, siêu sạch, để ngăn chặn sự ăn mòn và vi khuẩn.
Các trung tâm dữ liệu dùng rất nhiều nước sạch trong quá trình vận hành.
Chính yêu cầu này khiến lượng nước sạch bị tiêu thụ trở thành yếu tố được quan tâm, trong bối cảnh thế giới vẫn còn tình trạng thiếu nước sạch tại nhiều nơi. Các nhà khoa học đã kêu gọi những công ty đang vận hành các mô hình AI có trách nhiệm xã hội lớn hơn và cần chủ động giải quyết vấn đề môi trường do mình gây ra.
“Các mô hình AI cũng nên chịu trách nhiệm xã hội, đi đầu trong các nỗ lực chống lại thách thức khan hiếm nước trên toàn cầu, bằng cách cắt giảm "dấu chân nước" của chính mình”, nhóm nghiên cứu đánh giá, cho biết thêm. “Mặc dù một chai nước 500ml sau mỗi cuộc trò chuyện có vẻ không quá nhiều, nhưng tổng lượng nước được sử dụng vẫn cực kỳ lớn, xét đến con số hàng tỷ người dùng của ChatGPT”.
Các nhà khoa học đánh giá lượng nước tiêu thụ có thể tăng lên “nhiều lần” đối với hệ thống AI GPT-4 mới ra mắt, với kích thước mô hình lớn hơn. Tuy nhiên, họ chỉ ra rằng hầu như không có bất kỳ dữ liệu công khai nào để ước tính hợp lý lượng "dấu chân nước" cho GPT-4.
Họ kêu gọi các công ty tăng cường tính minh bạch về "dấu chân nước" của các mô hình AI, tiết lộ thêm dữ liệu vận hành và hiệu quả tiêu thụ nước trong thời gian các hệ thống hoạt động.
Các nhà khoa học kết luận: "Dấu chân nước là vấn đề cần phải được ưu tiên giải quyết như một phần trong nỗ lực chung để chống lại những thách thức về nước trên toàn cầu”.
Theo một nghiên cứu công bố hồi năm 2020, các nhà khoa học ước tính rằng để đào tạo mô hình ngôn ngữ GPT-3, người ta đã sử dụng năng lượng với mức phát thải carbon tương đương với việc lái một chiếc ô tô từ Trái Đất lên Mặt Trăng và quay trở lại.
Theo VietnamPlus
(KGO) - Chính phủ Australia lên kế hoạch thu phí đối với các công ty mạng xã hội và tìm kiếm Internet như Google, Facebook, để buộc họ trả tiền cho báo chí.
Tổng số lượt truy cập: