04/07/2024 15:06
Giai đoạn 2021-2030, tỉnh triển khai các mục tiêu nâng cao chất lượng dân số toàn diện tại các huyện, thành phố. Kế hoạch truyền thông dân số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1566/QĐ-UBND, ngày 21-6-2023 là nền tảng định hướng cho công tác truyền thông đến các đối tượng nhằm chuyển đổi hành vi từ nhận thức đến chấp nhận tham gia các hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Mục tiêu chung của hoạt động truyền thông dân số đến năm 2030 là tiến hành truyền thông về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng mức sinh để đạt mức sinh thay thế và duy trì, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bổ dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
Để đạt các mục tiêu nâng cao chất lượng dân số từ nay đến năm 2030, Sở Y tế, chi cục dân số, trung tâm y tế và phòng truyền thông - giáo dục sức khỏe các huyện, thành phố tuyên truyền kiến thức cho lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp để huy động sự tham gia và cam kết thực hiện công tác dân số thông qua việc chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, lồng ghép vấn đề dân số trong các chính sách.
Viên chức dân số huyện Kiên Lương tuyên truyền về lợi ích việc sinh đủ hai con cho phụ nữ tại Trạm Y tế xã Dương Hòa (Kiên Lương).
Nhóm đối tượng cần được truyền thông thường xuyên là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, ông bà, cha mẹ được cung cấp thông tin về cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con và nam, nữ thanh niên nên kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; truyền thông về quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt, hệ lụy của mức sinh thấp, lợi ích của việc chấp nhận các biện pháp tránh thai.
Nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên nam, nữ sắp kết hôn được cung cấp kiến thức về lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn; dân số, sức khỏe sinh sản; kế hoạch hóa gia đình, tác hại của việc phá thai, mang thai ngoài ý muốn. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thông tin về lợi ích của việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng.
Từ tỉnh đứng thứ tư trong số 21 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao toàn quốc (117 bé sơ sinh trai/100 bé sơ sinh gái), đến cuối năm 2023 Kiên Giang giảm tỷ số giới tính khi sinh về mức trung bình (107 bé sơ sinh trai/100 bé sơ sinh gái). Có được kết quả này nhờ tỉnh duy trì hoạt động truyền thông đều đặn để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giá trị và quyền bình đẳng của trẻ em gái và không chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
Để có những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, truyền thông tập trung vào nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để cung cấp kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, tham gia thực hiện tầm soát; chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh; phấn đấu đến năm 2025 có 90% nam, nữ thanh niên trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về lợi ích của việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và thực hiện việc khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tuyên truyền quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; cung cấp kiến thức giúp người cao tuổi và người chăm sóc cho người cao tuổi biết xử lý một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi, kiến thức về chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập phù hợp, lợi ích của việc khám sức khỏe định kỳ và quản lý sức khỏe tại địa bàn; tư vấn để người cao tuổi tham gia câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình phù hợp với sức khỏe người cao tuổi.
Bên cạnh đó, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Kiên Giang truyền thông nâng cao nhận thức, tạo môi trường đồng thuận và tích cực tham gia của xã hội vào phong trào hỗ trợ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi về thể chất lẫn tinh thần; phấn đấu đến hết năm 2025 có 75% người cao tuổi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
Ngoài ra, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Kiên Giang tuyên truyền để 85% người dân hiểu được nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo lý, truyền thống trong chăm sóc, giúp đỡ và phát huy vai trò của người cao tuổi; nghĩa vụ, trách nhiệm, quan tâm, phụng dưỡng người cao tuổi; hình thành nền tảng nhận thức xã hội và ý thức trách nhiệm của cá nhân trong việc chủ động tự lo cho tuổi già khi còn trẻ.
Thời gian tới, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Kiên Giang kết hợp truyền thông trên những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, internet và trên các nền tảng mạng xã hội để thích ứng với xu hướng phát triển; tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng của tỉnh chuyển tải nhiều thông tin lên trang thông tin điện tử để thông tin về công tác dân số được triển khai đồng bộ từ tỉnh tới các huyện, thành phố với sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cán bộ y tế, cán bộ dân số các cấp và 2.570 cộng tác viên tại cộng đồng dân cư.
Bài và ảnh: THANH DŨNG
(KGO) - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại TP. Phú Quốc tạo động lực mạnh mẽ trong việc nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống từ nước mắm, sim đến rong biển. Chương trình không chỉ giúp chuẩn hóa sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường mà còn góp phần bảo tồn giá trị văn hóa và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Tổng số lượt truy cập: