09/10/2024 16:54
Năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và lãnh đạo thực hiện với quyết tâm cao nhất. Sở chú trọng hoàn thiện và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu, kết hợp với chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang Trần Thị Thùy Trang cho biết: “Để đạt được mục tiêu này, sở nhận thấy cần thay đổi tư duy và nhận thức của công chức, viên chức, người lao động, nhất là trong các lĩnh vực phức tạp như quản lý đất đai, môi trường, khoáng sản, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở chuyển từ tư duy cấp phép sang tư duy phục vụ, xem người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chính của cán bộ, công chức, viên chức”.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện nhiều giải pháp, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023; kết quả chỉ số PCI tăng 22 bậc, tăng 0,25 điểm so năm 2022. Một trong những giải pháp nổi bật là việc đổi mới quản lý, điều hành; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xây dựng quy chế tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả “phi đơn vị hành chính” đối với công tác cấp đổi, chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Người dân được hướng dẫn lấy số thứ tự làm thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang mở rộng mô hình cung cấp thông tin đất đai qua phương thức điện tử tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; triển khai ứng dụng cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại phường Vĩnh Thanh (TP. Rạch Giá). Đồng thời, chú trọng bố trí công chức, viên chức có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp huyện. Công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến các loại phí, lệ phí được tăng cường, góp phần cải thiện hiệu quả thủ tục hành chính.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt về nhân lực và trang thiết bị nhằm rút ngắn thời gian giải quyết 14 thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Kết quả, có những trường hợp sau khi rà soát đã giảm được 20 ngày làm việc và tiết kiệm 50% nhân lực trong việc giải quyết hồ sơ.
Đồng thời, sở đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm một số giấy tờ cá nhân như căn cước công dân, sổ hộ khẩu… bằng cách tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc tích hợp và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên hệ thống thông tin của tỉnh, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân.
Sở còn thực hiện chính sách miễn giảm 25% phí và lệ phí đối với dịch vụ công trực tuyến cho hơn 40% số thủ tục hành chính từ nay đến cuối năm 2025. Công tác truyền thông được đẩy mạnh với nhiều hình thức như đăng tải tài liệu, video hướng dẫn quy trình nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến trên website của sở. Hiện tại, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính của sở đạt trên 93%, trong đó tỷ lệ giải quyết sớm và đúng hạn đạt hơn 99%.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang Trần Thị Thùy Trang, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác cải cách hành chính của ngành vẫn còn một số vướng mắc, hạn chế cần được quan tâm giải quyết. Thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung cao độ trong lãnh đạo và chỉ đạo công tác cải cách hành chính, chú trọng hoàn thiện cơ sở dữ liệu và thực hiện chuyển đổi số.
Sở rà soát toàn bộ thủ tục hành chính theo Luật Đất đai năm 2024, cập nhật quy trình, thời gian và thành phần hồ sơ để tích hợp trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp hiệu quả để tăng tỷ lệ giải quyết thủ tục trực tuyến và số hóa hồ sơ thủ tục hành chính.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN - THANH BÌNH
(KGO) - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại TP. Phú Quốc tạo động lực mạnh mẽ trong việc nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống từ nước mắm, sim đến rong biển. Chương trình không chỉ giúp chuẩn hóa sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường mà còn góp phần bảo tồn giá trị văn hóa và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Tổng số lượt truy cập: