28/08/2024 15:40
Người cao tuổi suy giảm về sức khỏe cũng như tâm sinh lý, sức đề kháng giảm, khả năng mắc bệnh cao hơn lúc còn trẻ. Để có sức khỏe tốt, các chuyên gia y tế khuyên người cao tuổi nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Việc người cao tuổi tạo được thói quen khám sức khỏe định kỳ sẽ mang lại những lợi ích rất thiết thực.
Tuổi cao, sức khỏe yếu là điều bất kỳ ai cũng không tránh khỏi. Người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, loãng xương, các bệnh về hô hấp… và có thể là bệnh ung thư. Bệnh ở người cao tuổi thường diễn biến âm thầm, mãn tính và khi phát hiện đã nặng. Thông qua các buổi thăm khám với sự tư vấn của cán bộ y tế, người cao tuổi và người thân có thể theo dõi được sức khỏe, phát hiện sớm bệnh tuổi già ngay trong giai đoạn đầu, từ đó kiểm soát và có kế hoạch chữa trị tốt hơn.
Bên cạnh đó, do cơ thể lão hóa khiến khả năng hồi phục bệnh của người cao tuổi thấp hơn người trẻ nên khám sức khỏe định kỳ giúp ích rất nhiều khiến hiệu quả điều trị tăng, góp phần giảm thời gian chăm sóc, chữa trị, chi phí điều trị bệnh, nhất là trong trường hợp người cao tuổi không tham gia bảo hiểm y tế.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp khám sức khỏe định kỳ và tư vấn dinh dưỡng cho người cao tuổi tại Trạm Y tế xã Thạnh Đông (Tân Hiệp).
Chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi là vấn đề cần được quan tâm bởi một số người cao tuổi hay ăn không ngon, chán ăn, hấp thụ kém khiến sụt cân, từ đó sức khỏe yếu. Không phải người cao tuổi nào cũng có thể trạng và chế độ về dinh dưỡng giống nhau, muốn biết chính xác sức khỏe như thế nào người cao tuổi cần kiểm tra và tư vấn từ bác sĩ thông qua khám sức khỏe định kỳ.
Khi khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, ngoài việc cập nhật kết quả khám tổng quát như đo huyết áp, cân nặng, chiều cao, đo mật độ xương, điện tim, siêu âm... cán bộ y tế sẽ tư vấn về chế độ dinh dưỡng trong việc chăm sóc, giúp người cao tuổi và người thân đưa ra lựa chọn thích hợp khi xây dựng kế hoạch ăn uống đa dạng về dinh dưỡng cho người cao tuổi như bổ sung các thức ăn giàu chất xơ để tốt cho tiêu hóa, thức ăn giàu canxi để tốt cho hệ xương hay các chất có lợi cho tim mạch... Việc chế biến thức ăn chú trọng độ mềm để dễ nhai giúp người cao tuổi ăn ngon hơn.
Một số người cao tuổi chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe vì vậy để bệnh diễn biến nặng mới đi khám... Để người cao tuổi chủ động quan tâm đến sức khỏe cách tốt nhất là người thân nên vận động, tư vấn người cao tuổi đi khám sức khỏe định kỳ. Kết quả khám sức khỏe định kỳ giúp người cao tuổi có ý thức và trách nhiệm trong việc ăn uống, tập luyện, chữa bệnh nhằm đảm bảo sức khỏe tốt hơn. Lời khuyên của bác sĩ sẽ có tác động tốt đến tâm lý người cao tuổi hơn những lời khuyên, nhắc nhở của con cháu.
Chăm sóc người cao tuổi chưa bao giờ dễ nhưng sẽ không quá khó khi người chăm sóc hiểu thể trạng, tâm lý và sức khỏe của người cao tuổi. Khi nắm rõ được thay đổi của người cao tuổi qua kết quả khám sức khỏe định kỳ, người chăm sóc có phương án thích hợp về chế độ chăm sóc, chế độ dinh dưỡng. Lúc này, người cao tuổi sẽ yên tâm hơn.
Người cao tuổi dễ tủi thân, cô đơn khi không được gia đình quan tâm, chăm sóc cho nên người chăm sóc nên thường xuyên thăm hỏi, động viên, khích lệ và tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi. Con cháu nên yêu thương và chăm sóc để người cao tuổi có cơ thể khỏe mạnh và tinh thần thoải mái nhất.
Ngoài khám sức khỏe định kỳ, gia đình nên quan tâm đến giấc ngủ của người cao tuổi, đảm bảo người cao tuổi ngủ và thức giấc đúng giờ. Bên cạnh đó, con cháu khuyến khích người cao tuổi vận động, tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ… và tham gia các hoạt động xã hội. Hãy đồng hành cùng người cao tuổi để người cao tuổi luôn thoải mái, vui vẻ.
Bài và ảnh: THANH DŨNG
(KGO) - Thời gian qua, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, bước đầu đạt kết quả tích cực, góp phần tạo chuyển biến về công tác chuyển đổi số trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Tổng số lượt truy cập: