22/11/2023 08:12
ĐIỆN VỀ NGƯỜI DÂN PHẤN KHỞI
Sau khi có điện lưới quốc gia, Kiên Hải đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành huyện đảo du lịch nổi tiếng. Trên đảo, các công trình kiến trúc kiên cố, nhà nghỉ, khách sạn mọc lên san sát, cùng với đó là việc mở rộng cầu cảng, bến tàu. Hệ thống giao thông trên đảo ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại. 2 xã Lại Sơn và Nam Du giờ đây đông vui, nhộn nhịp suốt ngày, đêm…
Mỗi năm, huyện Kiên Hải đón khoảng 400.000 - 450.000 lượt du khách. Kinh tế phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 14%, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 62,5 triệu đồng/người, tăng 20,5 lần so với khi mới thành lập (năm 1983). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng trong các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng.
Người dân xã đảo Lại Sơn mua ti vi phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Ảnh: HUỲNH LÀI
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm - người dân xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải cho biết: “Từ ngày xã đảo có điện lưới quốc gia, các công trình kiên cố bắt đầu xây dựng, đường sá khang trang, nhà nghỉ, dịch vụ mở rộng, du khách đến xã đảo đông vui hơn góp phần giúp kinh tế bà con phát triển ai cũng vui vẻ, phấn khởi”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải Huỳnh Thanh Bình cho biết từ khi điện lưới quốc gia kéo ra các xã đảo đã tạo động lực, giúp người dân có điều kiện phát huy tiềm năng. Hiện tỷ lệ hộ sử dụng điện của huyện đạt trên 98%. Có điện lưới quốc, người dân trên đảo đã trang bị tivi, máy lạnh, tủ lạnh… Đây là bước đột phá quan trọng giúp các xã đảo chuyển mình đi lên.
KIẾN NGHỊ TIẾP TỤC ĐẦU TƯ LƯỚI ĐIỆN
Sau 40 năm thành lập huyện (1983-2023), đến nay Kiên Hải đạt những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực như đường giao thông, trường học, trạm y tế, mạng lưới bưu chính viễn thông, trạm cấp nước... cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Qua nhiều lần điều chỉnh, chia tách, huyện Kiên Hải hiện có 4 xã gồm Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du với 13 ấp, 23 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích tự nhiên là 27,85 km2, dân số trên 22.000 người.
Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế, tiềm năng về du lịch, nghề cá, song trong thời gian dài Kiên Hải vẫn là địa phương phát triển chậm của Kiên Giang. Do Kiên Hải còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là lưới điện quốc gia.
Người dân xã đảo Lại Sơn mua tủ lạnh phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Ảnh: HUỲNH LÀI
Năm 2012, Công ty Điện lực Kiên Giang tham mưu Tổng Công ty Điện lực miền Nam, UBND tỉnh Kiên Giang đầu tư cấp điện cho đảo Hòn Tre bằng đường dây trên không vượt biển. Đến năm 2013, Tổng Công ty Điện lực miền Nam triển khai đầu tư Công trình kéo điện lưới Quốc gia ra xã đảo Hòn Tre. Công trình có tổng vốn đầu tư 69,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ứng của UBND tỉnh Kiên Giang. Đây là công trình đường dây cấp điện vượt biển đầu tiên của cả nước.
Phát huy thành công của công trình đường dây vượt biển cấp điện đảo Hòn Tre, năm 2015, Tổng Công ty Điện lực miền Nam tiếp tục triển khai Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn. Dự án có tổng vốn đầu tư 270 tỷ đồng với khối lượng đầu tư gồm: Đường dây 110kV dài 43 km, trong đó phần trên đất liền là 19,357km; phần trên biển là 24,496km; đường dây trung hạ thế trên đảo với khối lượng là 24km; 13 trạm biếp áp phân phối với dung lượng 2.080kVA. Lắp đặt công tơ và nhánh rẽ khách hàng cho 1.956 hộ dân trên đảo. Dự án hoàn thành đóng điện năm 2016.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải Huỳnh Thanh Bình cho biết mặc dù hiện tại hai xã Hòn Tre và Lại Sơn đã có điện lưới quốc gia, nhưng Kiên Hải vẫn còn 2 xã chưa có lưới điện. Vì vậy, Kiên Hải tiếp tục kiến nghị cấp trên và ngành điện sớm kéo điện lưới quốc gia cho 2 xã còn lại là An Sơn và Nam Du.
"Lưới điện quốc gia phủ kín huyện đảo, tạo đà để Kiên Hải triển khai kế hoạch về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Đặc biệt, Kiên Hải sẽ kêu gọi đẩy mạnh các dự án lớn về nuôi biển, phát triển du lịch, xây dựng phát triển Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn, Nam Du trở thành đô thị loại V theo chương trình phát triển đô thị của tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải Huỳnh Thanh Bình nhấn mạnh.
THANH NHƯ
(KGO) - Hơn 6 năm gắn bó với nghề làm nước mắm đồng, anh Trần Ngọc Vương cùng vợ là chị Nguyễn Thị Trúc Phương, ngụ ấp Cây Huệ, xã Hòa An, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) gầy dựng nên thương hiệu nước mắm Hương Đồng, đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây cũng là 1 trong 30 sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Tổng số lượt truy cập: