25/10/2023 19:44
Theo dự báo gần nhất của Tổng cục Thống kê, đến năm 2025, Việt Nam thừa 1,4 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn. Áp lực sinh được con trai để nối dõi tông đường đang đè nặng lên tâm lý nhiều gia đình. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra trầm cảm sau sinh ở phụ nữ.
Trung bình cứ 4 phụ nữ sau sinh thì có 1 phụ nữ trầm cảm nhưng tình trạng trầm cảm gấp 2 lần ở lần mang thai thứ hai trong trường hợp gia đình có con gái trước đó.
Số phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị chồng bạo hành trong quá trình mang thai gồm bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần gấp 2 lần so phụ nữ có con trai. Có 6,2% phụ nữ bị chồng bạo hành sinh non và 4,9% sinh con nhẹ cân; hơn 1/3 phụ nữ mang thai bị bạo hành nhưng có một số trường hợp không thông báo cho người khác biết; phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị chồng bạo hành trong quá trình mang thai gấp 2 lần so phụ nữ có con trai.
Bạo lực tinh thần là hình thức phổ biến nhất đối với phụ nữ mang thai, tiếp theo là bạo lực tình dục và bạo lực thể xác, từ đó cho thấy trẻ em gái phải đứng trước những vấn đề xấu trong việc lập gia đình nếu tư tưởng trọng nam hơn nữ không được nhìn nhận theo chiều hướng bình đẳng giới hơn.
Cộng đồng phải chung tay để trẻ em gái vị thành niên có cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt. Nếu được bảo đảm các quyền này trong giai đoạn vị thành niên, trẻ em gái có tiềm năng để thay đổi thế giới khi trở thành những người lao động trong tương lai, các bà mẹ, doanh nhân, cố vấn, người chủ gia đình và các nhà lãnh đạo.
Đầu tư cho việc hiện thực hóa tiềm năng của trẻ em gái vị thành niên cho phép bảo vệ quyền của các em hôm nay và bảo đảm tương lai công bằng và thịnh vượng hơn. Một tương lai mà ở đó các cô gái chia sẻ cùng một nửa nhân loại để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, xung đột chính trị, tăng trưởng kinh tế, phòng, chống dịch bệnh và phát triển bền vững toàn cầu.
Cộng tác viên dân số tuyên truyền về hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh cho phụ nữ xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang).
Theo Liên Hiệp quốc, 23 năm qua, cộng đồng quốc tế có tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống của trẻ em gái ở tuổi ấu thơ. Trẻ em gái dưới 10 tuổi có nhiều cơ hội được học tiểu học, được tiêm chủng và ít có khả năng bị các vấn đề về sức khỏe và dinh dưỡng hơn là các thế hệ trước.
Tuy nhiên, đầu tư vẫn không đủ để ứng phó với thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt khi các em bước vào giai đoạn 10 năm tiếp theo của cuộc đời. Các em cần có nền giáo dục trung học chất lượng cao hơn, thoát khỏi tình trạng tảo hôn, nhận thông tin và các dịch vụ liên quan đến tuổi dậy thì và sức khỏe sinh sản, bảo vệ, chống lại tình trạng mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục và bạo lực giới.
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đã và đang nỗ lực triển khai các mục tiêu phát triển bền vững cho những năm tới, đây là thời điểm để xem xét và nhấn mạnh những bước thực hiện mà ở đó trẻ em gái được hưởng lợi cũng như thúc đẩy khát vọng của trẻ em gái từ nhỏ đến khi các em trở thành vị thành niên để các em có thể phát huy hết tiềm năng và trở thành nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng thế giới bền vững và công bằng.
Tất cả các chương trình đầu tư cho trẻ em gái dù là hỗ trợ về sức khỏe, giáo dục hay an toàn đều giúp các em cải thiện cuộc sống và góp phần xây dựng thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.
Để trẻ em gái có cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt chúng ta tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em gái, đấu tranh chống lại khó khăn, bạo lực và tội phạm mà các em phải đối mặt. Các em có quyền được hưởng cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ những năm tháng đầu đời mà cả khi trở thành phụ nữ và lập gia đình.
Bài và ảnh: THANH DŨNG
(KGO) - Thời gian qua, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, bước đầu đạt kết quả tích cực, góp phần tạo chuyển biến về công tác chuyển đổi số trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Tổng số lượt truy cập: