30/09/2024 16:00
Hình minh họa. Nguồn: Internet
Mạng xã hội là nơi nhiều người bày tỏ ý kiến, cảm xúc mà không phải đối diện trực tiếp với người khác. Điều này khiến việc sử dụng ngôn từ thô tục trở nên phổ biến hơn.
TÁC HẠI CỦA TỆ VĂNG TỤC, CHỬI THỀ
Một người thường xuyên văng tục, chửi thề trên mạng xã hội dễ bị đánh giá là thiếu văn hóa, kém chuẩn mực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng và mối quan hệ của họ, đặc biệt là trong môi trường công việc và học tập. Trong một số trường hợp, những phát ngôn không đúng mực có thể dẫn đến mất việc, mất cơ hội hợp tác, hoặc bị xa lánh bởi bạn bè và đồng nghiệp. Theo một nghiên cứu của trang tuyển dụng CareerBuilder, 51% nhà tuyển dụng cho biết họ sẽ loại bỏ ứng viên nếu thấy người đó có những hành vi không đúng mực trên mạng xã hội .
Việc liên tục sử dụng ngôn ngữ thô tục có thể làm tăng cảm xúc tiêu cực và dẫn đến những hành động không kiểm soát trong đời thực. Khi cá nhân quen với việc xả giận bằng cách văng tục, tâm lý dễ trở nên căng thẳng hơn và thậm chí còn phát triển xu hướng bạo lực trong cách giải quyết vấn đề.
Trên các nền tảng như Facebook, TikTok hay YouTube, những cuộc thảo luận thường bị biến tướng thành các cuộc cãi vã khi người dùng sử dụng ngôn ngữ thô tục và chửi bới. Điều này làm cho môi trường mạng trở nên căng thẳng, độc hại và tạo ra sự phân cực trong cộng đồng. Một nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu Pew (Viện nghiên cứu phi đảng phái Hoa Kỳ) cho thấy, 41% người sử dụng mạng xã hội cho rằng các cuộc tranh cãi và ngôn từ thô tục làm giảm chất lượng thảo luận trực tuyến.
Trẻ em và thanh thiếu niên là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường mạng. Khi tiếp xúc thường xuyên với những nội dung văng tục, chửi bới hoặc bạo lực, trẻ có xu hướng bắt chước và coi đó là “chuẩn mực” giao tiếp. Điều này có thể dẫn đến sự suy thoái về văn hóa ứng xử trong thế hệ trẻ và ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển nhân cách. Theo một khảo sát của tổ chức Childnet, hơn 60% trẻ em thừa nhận đã từng chứng kiến hành vi bắt nạt, miệt thị hoặc ngôn từ thù địch trên mạng xã hội .
BẠO LỰC VẤN ĐỀ NGHIÊM TRỌNG
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của việc thể hiện hành động bạo lực trên mạng xã hội là tác động đến hành vi thực tế của người xem. Các video bạo lực, đánh nhau hoặc những lời kêu gọi bạo lực dễ dàng lan truyền, nhất là trên các nền tảng như TikTok hay YouTube. Những người trẻ có thể bị kích động và coi đó là cách giải quyết mâu thuẫn ngoài đời thực.
Một ví dụ điển hình là trào lưu “thử thách bạo lực” trên TikTok, nơi mà người tham gia cố ý đánh nhau hoặc làm tổn thương người khác chỉ để ghi lại và chia sẻ trên mạng. Các nghiên cứu cho thấy, việc thường xuyên tiếp xúc những nội dung bạo lực trên mạng có thể làm gia tăng xu hướng bạo lực ở người trẻ.
Hành vi phi văn hóa không chỉ dừng lại ở ngôn từ mà còn bao gồm việc chia sẻ, bình luận về những nội dung không phù hợp, bạo lực và thậm chí là xúc phạm tôn giáo, chủng tộc hoặc giới tính. Điều này làm mất đi giá trị văn hóa và đạo đức của cộng đồng, làm xấu hình ảnh của người Việt Nam trên không gian mạng toàn cầu.
Trên các diễn đàn, nhóm kín hoặc trang cá nhân, nhiều người không ngần ngại thể hiện những quan điểm cực đoan, thậm chí là kích động thù hận. Hành vi này không chỉ làm tổn thương cá nhân khác mà còn làm tăng cường sự phân biệt và chia rẽ trong xã hội. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế (IPRI) - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Islamabad (Pakistan), các cuộc tấn công bằng ngôn từ thù địch trên mạng đã tăng lên 30% trong giai đoạn 2020-2022, chủ yếu về vấn đề sắc tộc và tôn giáo.
KHUYẾN KHÍCH XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG MẠNG VĂN MINH
Để hạn chế các hành vi phi văn hóa, việc giáo dục ý thức cho người sử dụng mạng xã hội, nhất là thế hệ trẻ là cần thiết. Nhà trường và gia đình cần kết hợp để nâng cao nhận thức về việc sử dụng mạng xã hội một cách văn minh. Các chương trình giáo dục kỹ năng số, bao gồm cách đối xử tôn trọng và giao tiếp đúng mực cần được đưa vào giảng dạy sớm.
Bên cạnh đó, việc đưa ra những hậu quả pháp lý nghiêm minh đối với các hành vi xâm phạm quyền lợi của người khác, chẳng hạn như xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay kích động bạo lực cũng cần được thực hiện để răn đe và ngăn chặn.
Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube hay TikTok cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát nội dung và hành vi của người dùng. Những hành vi như văng tục, chửi bới hay kích động bạo lực cần được phát hiện và xử lý kịp thời thông qua các hệ thống giám sát tự động và đội ngũ kiểm duyệt. Chẳng hạn, TikTok đã bắt đầu thắt chặt chính sách về nội dung và xử lý nghiêm các tài khoản vi phạm quy định về ngôn ngữ và hành vi bạo lực.
Người sử dụng mạng xã hội cần nhận thức rõ rằng không gian mạng cũng là nơi công cộng và cần tuân thủ các quy tắc ứng xử như ngoài đời thực. Việc tự giác kiểm soát ngôn từ, cảm xúc và cách hành xử trên mạng không chỉ giúp bảo vệ hình ảnh cá nhân mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng mạng văn minh, an toàn và tích cực hơn.
TRỌNG NGHĨA
(KGO) - Tình trạng lấn chiếm vỉa hè và lòng đường tại các đô thị đã trở thành vấn đề bức xúc chung của toàn xã hội. Tại Kiên Giang, thời gian qua, TP. Rạch Giá là địa phương tiên phong với rất nhiều nỗ lực từ chính quyền trong việc lập lại hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn đã tạo ra hiệu ứng và những kết quả tích cực được dự luận đồng tình, ủng hộ.
Tổng số lượt truy cập: