16/11/2024 11:59
Kênh xáng Chắc Băng. Ảnh: VĂN DƯƠNG
Kênh xáng Chắc Băng nối ngã ba sông Trẹm tại thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình (Cà Mau) đến ngã ba sông Cái Lớn tại huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Dòng kênh này có chiều dài hơn 40km. Hơn trăm năm qua, dòng kênh vẫn lặng lẽ chảy qua những bờ lau, bờ cỏ, nước trong lòng kênh đã bao đổi thay qua năm tháng, nhưng không thể xóa mờ dấu tích của một thời kỳ đầy gian lao, nhưng rất đổi hào hùng của dân tộc. Bảy mươi năm trước, nơi đây từng là điểm tập kết lớn nhất của quân và dân miền Nam trước khi hành trình ra Bắc, để lại sau lưng những nụ cười và nước mắt, sự hy sinh vì hòa bình, thống nhất non sông.
Khi tiếng súng Điện Biên Phủ lặng dần vào tháng 5-1954 cũng là lúc Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, mở ra một khúc quanh mới cho vận mệnh đất nước. Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến, nhưng mong muốn chung của toàn dân vẫn là thống nhất non sông.
Thế nhưng, dù Hiệp định quy định trong vòng hai năm phải tổ chức tổng tuyển cử để đưa đất nước về một mối, nhưng lòng người miền Nam không dễ dàng tin tưởng vào lời cam kết đó của các thế lực thực dân và tay sai. Ngay từ khi hiệp định vừa ráo mực, những toan tính, sự dối trá từ kẻ thù đã lộ rõ.
Vậy nên, quyết định tập kết bộ đội, cán bộ, học sinh miền Nam ra Bắc không đơn thuần là một cuộc chuyển quân mà còn mang theo một chiến lược dài hơi của cách mạng: chuẩn bị lực lượng, tiếp sức cho miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa và là nguồn lực chủ chốt để một ngày trở về giải phóng quê hương, xây dựng miền Nam.
Vàm Chắc Băng trở thành chứng nhân của sự kiện lịch sử ấy. Nơi đây, hàng nghìn chiến sĩ, cán bộ và đồng bào đã trải qua 200 ngày đêm đầy cảm xúc. Những ngày tháng tập kết, tưởng chừng như chỉ là bước chuyển quân tạm thời, lại hóa thành một cuộc chia ly kéo dài hơn hai thập kỷ.
Nhưng đối với người ở lại và người ra đi, mọi sự hy sinh đều mang ý nghĩa sâu sắc: ở lại kiên cường chống chọi với quân thù, ra đi chuẩn bị cho ngày trở về trong chiến thắng. Vàm Chắc Băng đã khắc ghi biết bao lời thề son sắt, đã lưu giữ từng ánh mắt dõi theo những con tàu rời bến với niềm hy vọng cháy bỏng: hai năm sau sẽ lại gặp nhau trong ngày toàn quốc hân hoan. Nhưng thực tế nghiệt ngã, thời gian đó kéo dài hơn thế gấp mười lần. Đất nước phải chờ đợi gần 21 năm sau mới có thể thực sự Bắc - Nam liền một dải.
Những ngày tập kết tại Chắc Băng không chỉ là sự kiện quân sự hay chính trị mà còn là một biểu tượng cho lòng tin và sự tận tụy của người dân miền Nam. Chính quyền cách mạng tại khu tập kết đã xây dựng một mô hình mẫu cho sự lãnh đạo vì nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ ngày ngày sát cánh với dân, dựng lên những ngôi nhà, sửa sang làng xóm, tổ chức văn hóa, giáo dục để tạo nên một môi trường sinh hoạt lành mạnh và đoàn kết.
Những buổi chiếu phim về Bác Hồ, về miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã làm sáng lên những giấc mơ hòa bình và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho khát vọng đấu tranh của người dân. Từ những người nông dân chỉ biết đến bờ kinh, ruộng đồng, giờ đây họ cùng nhau dò tìm vĩ tuyến 17, để hy vọng rằng ranh giới này một ngày sẽ bị xóa bỏ.
Chắc Băng còn in đậm những dấu ấn của những ngày chia tay nghẹn ngào. Câu hát tiễn biệt, những đòn bánh tét, những chiếc xuồng chất đầy khóm, chuối gửi theo những người lên đường, đều là minh chứng cho tình nghĩa quân - dân gắn bó keo sơn, như “cá với nước”. Từng tấc đất, từng ngọn cỏ, bờ kinh của vàm xáng này đã chứng kiến lòng kiên định, niềm hy vọng vào ngày tái ngộ, để sau này dù trong cơn đàn áp tàn bạo, nhân dân Vĩnh Thuận vẫn một lòng kiên định đi theo Đảng, theo cách mạng, bám trụ cho đến ngày toàn thắng.
Bảy mươi năm trôi qua, dòng Chắc Băng vẫn xuôi chảy như dòng thời gian không ngừng trôi. Nhưng mỗi con nước, mỗi gợn sóng của kênh xáng này đều giữ lại kỷ niệm, ký ức của một thời kỳ đau thương và oai hùng. Vàm Chắc Băng hôm nay yên bình hơn, nhưng những câu chuyện, những hình ảnh về cuộc chia tay năm xưa vẫn bồi hồi trong lòng dòng nước. Người ra đi đã trở về, đất nước đã liền một dải và tất cả những người con của miền Nam - Bắc đều là những người chiến thắng.
TRỌNG NGHĨA
(KGO) - Hôm nay ngày 1-12-2024, phường Vĩnh Thanh Vân chính thức mở rộng sau khi sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 1,18 km² và dân số 15.990 người của phường Vĩnh Bảo, theo Nghị quyết số 1247/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong việc tinh gọn bộ máy hành chính, cải thiện hiệu quả quản lý và thúc đẩy sự phát triển đô thị tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: