13/10/2022 09:56
Bác sĩ Chung Tấn Thịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở người. Tuy nhiên, để ngăn chặn, không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh, Sở Y tế xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở người với 3 tình huống.
Cụ thể, tình huống 1, chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại tỉnh; tình huống 2, xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào tỉnh; tình huống 3, dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Ở từng tình huống, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đề ra giải pháp phù hợp nhằm phát hiện sớm ca mắc đầu tiên, khoanh vùng, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan trong cộng đồng, hạn chế mức thấp nhất số ca mắc và tử vong”.
Đối với tình huống 1, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang chỉ đạo kiểm soát trường hợp đi về từ nơi có dịch bệnh đậu mùa khỉ ở người; chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, các tỉnh lân cận và kịp thời thông báo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai biện pháp chủ động ứng phó, không để dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh.
Đối với tình huống 2, tăng cường giám sát trường hợp nghi ngờ hoặc có triệu chứng hay có yếu tố dịch tễ liên quan, tăng cường lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh; triển khai biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên, không để lan ra cộng đồng.
Bố trí khu vực riêng để điều trị bệnh nhân; khu vực cách ly được chia thành ba đơn nguyên: Bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân được chẩn đoán xác định và khu lưu giữ bệnh nhân trước khi xuất viện.
Các trẻ Trường Tiểu học - Mẫu giáo Lê Hồng Phong, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) được hướng dẫn rửa tay đúng cách để phòng, chống các dịch bệnh nói chung, bệnh đậu mùa khỉ ở người nói riêng.
Đối với trường hợp 3, đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch mới, giám sát chặt chẽ ổ dịch cũ nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng ra cộng đồng. Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc. Thực hiện phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp, hạn chế di chuyển người bệnh.
Các bệnh viện chủ động triển khai kế hoạch mở rộng việc thu dung, điều trị bệnh nhân; huy động các khoa lâm sàng và các bộ phận hỗ trợ tham gia; giảm thiểu tối đa trường hợp tử vong…
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá chỉ đạo phòng khám bệnh chủ động giám sát và báo cáo kịp thời trường hợp nghi ngờ.
Bác sĩ Trần Văn Hội - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá cho biết: “Trung tâm chỉ đạo phòng khám chú ý trường hợp nghi ngờ bệnh, lồng ghép tuyên truyền cho người dân biết về triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ ở người và các biện pháp phòng bệnh như tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường; che miệng khi ho, hắt hơi…”.
Theo tài liệu của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận đầu tiên trên người vào năm 1970.
Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Ngoài ra, sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày (dao động từ 5-21 ngày). Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, trong miệng hoặc ở các bộ phận của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn...
Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần. Theo WHO, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh theo thống kê trước đây dao động từ 0-11% nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: