01/08/2022 14:11
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến ngày 12-6, toàn tỉnh tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 99%, tiêm liều nhắc lại lần 1 đạt trên 66%. Từ ngày 1-6-2022, Sở Y tế triển khai tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho đối tượng từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên suy giảm miễn dịch vừa và nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc trong khu công nghiệp.
Đến ngày 12-6, toàn tỉnh tiêm liều nhắc lại lần 2, mũi 4 được trên 36.500 người (đạt trên 27% kế hoạch). So với dân số trong độ tuổi tiêm vaccine từ 5 tuổi trở lên, toàn tỉnh tiêm mũi cơ bản đạt trên 84%, liều nhắc lại lần 1 đạt trên 66% (từ 18 tuổi trở lên), liều nhắc lần 2 (từ 18 tuổi trở lên) đạt trên 3%.
Theo nhận định Sở Y tế, đến ngày 12-6, số trường hợp từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại tại một số địa phương còn thấp so chỉ tiêu, đặc biệt là mũi 4; còn 5 địa phương chưa nhận vaccine theo phân bổ của Sở Y tế. Theo bác sĩ Cao Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nguyên nhân tiến độ tiêm vaccine liều nhắc lại còn chậm do một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại.
Công tác điều tra đăng ký đối tượng không chính xác. Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân hạn chế, chưa đi vào chiều sâu, chưa lấn át được các thông tin không chính thống, trái chiều làm ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm chủng vaccine của tỉnh. Một phần do người dân đi làm xa, sợ tiêm vaccine có phản ứng phụ gây mệt mỏi không đi làm được sẽ ảnh hưởng công việc, thu nhập; tâm lý chọn vaccine, sợ phản ứng sau tiêm, ảnh hưởng đến sức khỏe…
Người dân trên địa bàn TP. Rạch Giá được tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4).
Bác sĩ Cao Thành Nam khẳng định: “Tiêm vaccine phòng COVID-19 là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho người được tiêm. Tuy nhiên, theo thời gian kháng thể sinh ra từ các liều vaccine cơ bản kéo dài từ 3 - 6 tháng, sau đó kháng thể sẽ giảm dần. Nếu người dân không tiêm liều bổ sung hoặc liều nhắc lại thì kháng thể giảm xuống, cơ thể không còn khả năng bảo vệ trước sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2, nhất là đối tượng nguy cơ cao. Vì vậy, việc tiêm mũi vaccine nhắc lại rất cần thiết, giúp cơ thể tăng cường kháng thể, chống lại tác nhân gây bệnh. Người mắc bệnh COVID-19, sau khi khỏi bệnh vẫn cần tiêm vaccine”.
Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 có thể có biến chủng mới, do đó tiêm vaccine liều nhắc lại mũi 3 và mũi 4 rất cần thiết để bảo vệ người dân trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, tránh nguy cơ bùng phát đợt dịch mới.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn lo ngại, truyền tai nhau về tác dụng phụ của việc tiêm vaccine như rụng tóc, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản… Bác sĩ Cao Thành Nam khẳng định: “Đây là những thông tin không có căn cứ khoa học. Các nghiên cứu cho thấy việc tiêm vaccine không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản hoặc tác dụng phụ như rụng tóc, giảm trí nhớ. Tuy nhiên, những nghiên cứu về ảnh hưởng của hậu COVID-19 đối với sức khỏe người dân được khẳng định, trong đó có các triệu chứng như rụng tóc, giảm trí nhớ… Do đó, người dân cần tiêm các liều vaccine nhắc lại đầy đủ để được bảo vệ liên tục”.
Đã tiêm 3 liều vaccine phòng COVID-19, ông Nguyễn Văn Cảnh (84 tuổi), ngụ phường Vĩnh Thông (TP. Rạch Giá) vui khi được tiêm mũi 4. Ông Cảnh nói: “Lớn tuổi lại mắc bệnh hen phế quản, tôi lo nếu mắc bệnh COVID-19 có thể dẫn đến biến chứng nặng. Nhờ tôi được tiêm các liều vaccine, thực hiện biện pháp phòng dịch bệnh nên chưa mắc bệnh COVID-19. Sau khi tiêm vaccine, sức khỏe tôi bình thường. Tôi thấy một liều vaccine Nhà nước lo cho dân quý giá vô cùng, mọi người nên tiêm ngừa đầy đủ để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng”.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: