01/08/2022 14:16
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang triển khai tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 cho tất cả bệnh nhân suy thận mạn đủ điều kiện tiêm ngừa. Công tác tổ chức tiêm chủng thực hiện an toàn, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Mắc bệnh suy thận mạn hơn 10 năm, ông Bùi Văn Coi, ngụ huyện An Biên phải chạy thận nhân tạo hàng tuần để duy trì sự sống. Ông được Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang bố trí đưa đón, chăm lo đời sống trong quá trình điều trị bệnh khi dịch bệnh bùng phát và tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19.
“Khi dịch bệnh bùng phát, nhất là ghi nhận ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, tôi rất lo. Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, bệnh viện bố trí chỗ ăn, ở tạm thời; có xe đưa đón vào bệnh viện để chạy thận 3 lần/1 tuần. Giờ tôi được tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 thì yên tâm hơn. Sau khi tiêm ngừa, tôi bình thường”, ông Coi chia sẻ.
Đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 thuộc nhóm 5 (người mắc bệnh mạn tính và người trên 65 tuổi), Sở Y tế giao Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang tổ chức tiêm vaccine tại bệnh viện cho bệnh nhân suy thận mạn và tổ chức đội tiêm lưu động tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Bệnh viện tổ chức tiêm cho 370 bệnh nhân suy thận mạn đang điều trị tại Khoa Thận lọc máu, gần 200 người khuyết tật, người già, bệnh nhân tâm thần và có các bệnh lý nền tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Đây là đối tượng có hệ miễn dịch bị suy giảm, tỉnh ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 Moderna đảm bảo an toàn.
Bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn được tiêm ngừa vaccine phòng bệnh COVID-19 Moderna tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.
Tiến sĩ, bác sĩ Hà Văn Phúc - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Tỉnh ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 Moderna, vaccine Pfizer cho người lớn tuổi trên 65 tuổi, người trẻ có bệnh lý nền. Ngoài ra, tỉnh dành số lượng vaccine nhất định để tiêm cho bệnh nhân suy thận mạn và đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh vì đây là những đối tượng nếu mắc bệnh COVID-19 thì nguy cơ tử vong cao. Do đó, tỉnh dành vaccine đặc biệt để tiêm phòng cho những đối tượng này là cần thiết nhằm kéo dài tuổi thọ, an toàn cho người tiêm”.
Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng được thực hiện đúng quy định, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang bố trí xe đưa rước đối tượng từ các khu cách ly, chia nhỏ theo từng nhóm; việc bố trí tiêm vaccine đảm bảo yêu cầu về khoảng cách, thực hiện 5K; đồng thời sắp xếp lịch tiêm ngừa phù hợp lịch chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân.
Bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn được khám sàng lọc, tư vấn trước khi tiêm ngừa vaccine phòng bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Công Thành - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết: “Bệnh nhân suy thận mạn có cơ địa suy giảm miễn dịch và lớn tuổi. Do đó, để đảm bảo công tác tiêm ngừa vaccine, hạn chế tối đa biến chứng, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cử y, bác sĩ đến nơi bệnh nhân đang lưu trú tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt và Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang khám, sàng lọc và lập danh sách bệnh nhân đủ điều kiện tiêm phòng. Bệnh viện bố trí khu vực tiêm sát khu vực cấp cứu để dự phòng tình huống có biến chứng xảy ra, kịp thời cấp cứu, đảm bảo an toàn cho người tiêm. Đến nay, công tác tiêm ngừa cho bệnh nhân bệnh suy thận mạn đảm bảo an toàn”.
Tiêm chủng vaccine là một trong những biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để phòng bệnh COVID-19. Kiên Giang khẩn trương triển khai việc tiêm chủng đợt 3 năm 2021 đảm bảo tiến độ; trong đó, theo kế hoạch có trên 3.500 người mắc bệnh mạn tính và trên 65 tuổi được ưu tiên tiêm vaccine. Đây là việc làm thiết thực và ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID -19 của tỉnh.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: