27/03/2024 10:30
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 260 ca bệnh sốt xuất huyết, 177 ca bệnh tay chân miệng, không ghi nhận trường hợp tử vong. So cùng kỳ năm 2023, bệnh sốt xuất huyết giảm 508 ca; bệnh tay chân miệng tăng 149 ca. Trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 1 trường hợp tử vong trên nền dương tính với HIV; ghi nhận 1 ca bệnh sốt rét ngoại lai tại huyện Hòn Đất.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang nhận định: “Năm 2024, tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp. Tình trạng đô thị hóa và di dân tạo điều kiện thuận lợi để dịch bệnh bùng phát, làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch; sự xuất hiện của các biến chủng mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch bệnh khó dự báo.
Bên cạnh đó, còn tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm chưa bao phủ hết các cơ sở y tế, nhất là bệnh viện, phòng khám tư nhân. Do đó, mạng lưới y tế dự phòng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chuẩn bị các phương tiện, trang thiết bị cho thu dung, điều trị là vấn đề then chốt trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh”.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm phường Vĩnh Thanh Vân (TP. Rạch Giá) ra quân diệt lăng quăng, phát tờ rơi tuyên truyền các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm đến người dân trên địa bàn.
Để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong năm 2024, mạng lưới y tế dự phòng cần tăng cường công tác tham mưu chính quyền cùng cấp tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, huy động nguồn lực cho các hoạt động can thiệp phòng, chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết kịp thời.
“Y tế dự phòng theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu chính quyền cùng cấp xây dựng kế hoạch ứng phó, phương án phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả tối đa; cập nhật đầy đủ hướng dẫn chuyên môn và triển khai thực hiện bảo đảm đúng phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội”, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh cho biết.
Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực giám sát dịch tễ cho nhân viên phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh; giám sát trọng điểm và giám sát thường xuyên; phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh; tăng cường truyền thông, tuyên truyền phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, nâng cao nhận thức cho người dân. Ngành y tế phối hợp ngành giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp thực hiện công tác giám sát dịch bệnh truyền nhiễm trong trường học, báo cáo các trường hợp mắc hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để triển khai các biện pháp xử lý kịp thời.
Là địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng khá cao, từ đầu năm 2024, Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm TP. Rạch Giá triển khai quyết liệt biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác.
Bác sĩ Trần Văn Hội - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá cho biết Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá phối hợp trạm y tế xã, phường rà soát các địa bàn, hộ gia đình tại vùng có dịch bệnh sốt xuất huyết và vùng nguy cơ có dịch để kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ thải, nơi sinh sản của muỗi, hướng dẫn hộ gia đình tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng.
Đối với bệnh tay chân miệng, trung tâm chỉ đạo các trạm y tế phường, xã phối hợp các điểm trường tiểu học, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trong trường học như vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thực hiện ăn sạch, uống sạch, giữ bàn tay sạch, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, thuốc, hóa chất, trang thiết bị... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: