01/08/2022 14:11
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh, thực hiện tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, đến nay toàn tỉnh thành lập 163 đoàn thanh tra, kiểm tra và thực hiện thanh tra, kiểm tra 1.658 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 1.453 cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm, 205 cơ sở chưa đạt; nhắc nhở 205 cơ sở; tiêu hủy 10kg sản phẩm gói sẵn hết hạn và không rõ nguồn gốc. Thực hiện lấy 23 mẫu xét nghiệm tại phòng kiểm nghiệm, 100% kết quả đạt yêu cầu. Xét nghiệm nhanh chỉ tiêu hóa lý 90 mẫu, trong đó 88 mẫu đạt, 2 mẫu không đạt; không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Đồng chí Nguyễn Minh Hùng - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: “Ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng nâng cao. Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chọn sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, xuất xứ. Để có sự chuyển biến tích cực này, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung lồng ghép hoạt động chuyên môn để tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tuân thủ quy định của pháp luật về việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...”.
Ông Trần Kim Lang - chủ cơ sở sản xuất bún 2B, đường Ngô Quyền, phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá) có kinh nghiệm làm bún hơn 10 năm nên ông nắm rõ quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm. “Tôi chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu nhập nguyên liệu và quy trình sản xuất nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”, ông Lang nói.
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở sản xuất bún trên địa bàn TP. Rạch Giá.
Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 do đồng chí Ngô Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh.
Qua kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồng chí Ngô Hồng Phong nhận định: “Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tuyến huyện, xã thực hiện tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 nhanh, kịp thời. Trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm”.
Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, các cấp, các ngành phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, nhất là khâu hậu kiểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm…
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, quy định của Luật An toàn thực phẩm đến cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cung cấp kiến thức cơ bản, cần thiết để giúp người dân biết chọn thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: