19/10/2022 13:57
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, qua hệ thống giám sát thường quy của ngành y tế, hiện tại Kiên Giang có 14 bệnh truyền nhiễm có số ca mắc tương đương với cùng kỳ năm 2021. 6 bệnh có số ca mắc tăng so năm 2021 gồm thương hàn, viêm não virus, viêm gan virus, bệnh dại, sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Bác sĩ Cao Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cho biết: “Tỉnh chưa ghi nhận bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân và bệnh do virus Adeno. Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 4.097 ca, trong đó có 217 trường hợp sốt xuất huyết nặng, 1 trường hợp tử vong, tăng gần 600% so cùng kỳ năm 2021".
Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở Kiên Giang từ đầu năm 2022, cao điểm vào tuần 20 và đạt đỉnh vào tuần 34 và 35. Bệnh có chiều hướng giảm nhưng tình hình diễn biến còn phức tạp, tập trung cao ở các địa phương như TP. Phú Quốc, TP. Rạch Giá và các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Hòn Đất…
Từ nay đến cuối năm lượng mưa còn nhiều, nếu không diệt lăng quăng triệt để, bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục có nguy cơ gia tăng.
Đối với bệnh tay chân miệng, Kiên Giang ghi nhận 994 ca (tăng 34% so cùng kỳ năm 2021), chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Bệnh COVID-19 ghi nhận từ đầu mùa dịch đến nay trên 41.600 trường hợp, đang điều trị 31 trường hợp tại các cơ sở y tế.
Cán bộ, nhân viên y tế phường Vĩnh Thanh Vân, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) ra quân diệt lăng quăng, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Bác sĩ Chung Tấn Thịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang nhận định, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh gia tăng. Hiện dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt nhưng đây vẫn được xem là đại dịch, chưa phải là dịch bệnh thông thường. Các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng so cùng kỳ năm 2021…
“Mọi biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vẫn thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đó là khẩu trang, khử khuẩn, kết hợp thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức trong phòng, chống dịch; tiếp tục đẩy mạnh tiêm ngừa vaccine. Đối với từng loại dịch bệnh, Sở Y tế xây dựng kịch bản phòng, chống phù hợp từng phương án, chỉ đạo đơn vị chuyên môn chuẩn bị các điều kiện vật tư y tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh”, bác sĩ Chung Tấn Thịnh cho biết.
Hiện các dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số bệnh mới nổi đã và đang diễn biến phức tạp, những biến chủng mới vẫn liên tục xuất hiện nên nguy cơ tái phát dịch vẫn rất lớn. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu vẫn là ý thức của người dân trong việc duy trì các hành vi có lợi cho sức khỏe và thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: